Viết tiếp những ước mơ
Trên hành trình đi tìm tri thức, nhiều học sinh, sinh viên đã phải vượt qua biết bao khó khăn, thử thách bằng sự khát khao học tập và nghị lực của bản thân. Trong hoàn cảnh đó, mọi sự tiếp sức đều trở nên hết sức quý giá, giúp các em vươn tới ước mơ về một ngày mai tươi sáng.
"Thương cho ước mơ của chính mình..."
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có hoàn cảnh hết sức khó khăn, em Triệu Đức Minh (dân tộc Tày, SN 2005, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) vẫn luôn khao khát ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học. Năm Minh lên 2 tuổi, bố em không may qua đời vì tai nạn giao thông, kể từ đó mẹ em phải gồng gánh mọi thứ, ngược xuôi làm thuê, làm mướn để nuôi hai chị em Minh ăn học. Thế nhưng, chị gái của Minh cũng chỉ học đến lớp 10, phải nghỉ vì gia đình không đủ điều kiện.
Em Triệu Đức Minh chia sẻ về hoàn cảnh của mình tại chương trình trao học bổng "Tiếp sức đến trường". |
“Mẹ làm việc quần quật, có ngày rời khỏi nhà từ 3 giờ sáng đến tận 7 giờ tối mới về, có khi ngủ lại trên nương, vậy mà vẫn không đủ trang trải cho cả nhà, mẹ phải vay vốn ngân hàng để em đi học. Sau khi tốt nghiệp THPT, em tâm sự với mẹ, nếu gia đình không đủ điều kiện sẽ nghỉ học một năm để đi làm kiếm tiền, em không muốn việc học của bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình”, Minh trải lòng.
Đối với Minh, mẹ là nguồn động lực lớn nhất để bản thân vững bước trên con đường học tập. Bên cạnh đó, còn có sự động viên, giúp đỡ của các thầy cô giáo. Minh kể, có lần, mẹ đi làm xa nhiều ngày không về nhà, lúc ấy thầy giáo Tổng phụ trách Đội của trường đã luôn hỏi han, khích lệ và nhắn với em nếu ngày nào không có cơm ăn thì liên hệ thầy, thầy sẽ giúp đỡ. Nhờ đó, Minh đã vượt qua khó khăn và đỗ vào Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
Còn đối với cô sinh viên Ka Xuân (dân tộc Kơ Ho, SN 2003, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), tuổi thơ trôi qua trong nỗi lo sợ, mặc cảm bởi từ khi còn trong bụng mẹ em đã bị thầy mo phán là quái thai. Vượt qua định kiến, Ka Xuân nỗ lực học tập và xin đi làm thêm sau giờ tan trường. Những năm cấp 3, em thường về nhà sau 10 giờ đêm và tiếp tục học bài đến tận 3 giờ sáng hôm sau. Năm 2021, sau khi tốt nghiệp THPT, Ka Xuân quyết định nghỉ học một năm, khăn gói đến các khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh để đi làm kiếm tiền hỗ trợ chị gái khi đó đang học năm thứ hai, chuyên ngành Y đa khoa (Trường Đại học Tây Nguyên). Em không nề hà công việc, từ kiểm hàng, đóng gói bao bì sản phẩm cho đến khuân vác hàng, đôi bàn tay nhỏ bé của cô học trò nghèo đã bao lần bị bong gân và trở nên chai sạn.
“Em là người dân tộc thiểu số, mẹ mất sớm, gia đình không có điều kiện để đi học. Chị gái học rất giỏi, em thương chị nhưng em thương cả ước mơ của chính mình nữa...”, Ka Xuân nghẹn ngào. Cuối tháng 3/2023, Ka Xuân lên Đắk Lắk cho gần chị và tập trung ôn tập, tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2023 để lấy kết quả xét tuyển đại học. Kết quả, em trúng tuyển vào ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Thấu cảm và sẻ chia
Nhằm hỗ trợ kịp thời cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vượt khó trúng tuyển vào cao đẳng, đại học với thành tích cao nhưng có nguy cơ bỏ học nếu không được “tiếp sức”, vừa qua, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn 5 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng tổ chức chương trình trao học bổng “Tiếp sức đến trường”. Ka Xuân và Triệu Đức Minh là hai trong số 90 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khu vực Tây Nguyên được nhận học bổng (15 triệu đồng/suất). Cảm động trước hoàn cảnh và nhằm ghi nhận nỗ lực vượt khó, chương trình đã trao tặng hai em 2 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất/4 năm học. Chương trình còn trao laptop cho 4 sinh viên thiếu thiết bị học tập và 8 suất học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS.
Hai tân sinh viên Ka Xuân và Triệu Đức Minh nhận suất học bổng đặc biệt tại chương trình "Tiếp sức đến trường". |
Năm 2023 là năm thứ 21 chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” được triển khai, trong năm nay, có hơn 1.200 tân sinh viên trên cả nước được trao học bổng với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng. Nhà báo Trần Gia Bảo, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ chia sẻ: “Thấu cảm và thương các em vô cùng, những học trò của vùng đất Tây Nguyên hôm nay đã tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, bằng nghị lực vượt qua nghèo khó. Đó là hình ảnh những cô cậu học trò dưới những cơn mưa rừng đi đào măng, mót bắp cho chặt bụng, cho qua cơn đói để vững chân tới trường, học lấy con chữ. Cứ mỗi mùa học bổng trao đi, chúng tôi lại nhận về bao tin vui, quả ngọt, các em sinh viên tốt nghiệp trở thành kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên, doanh nhân thành đạt… Báo Tuổi Trẻ đóng vai trò là nhịp cầu, kết nối vạn tấm lòng cùng bền bỉ chung tay chăm lo cho thế hệ trẻ Việt Nam, những nhân tài của đất nước vững bước vào đời”.
Tại Đắk Lắk, năm học 2023 - 2024 có 22 tân sinh viên được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”, trong đó hai sinh viên được nhận laptop. Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Trần Doãn Tới, học bổng “Tiếp sức đến trường” của Báo Tuổi Trẻ hằng năm như một nguồn động viên tích cực cho các bạn tân sinh viên khó khăn, đặc biệt là sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nhờ đẩy mạnh truyền thông, ngày càng có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận và tìm hiểu về chương trình, từ đó nỗ lực cố gắng trong học tập, rèn luyện để đạt các tiêu chí do ban tổ chức đề ra. Một tín hiệu đáng mừng là số lượng các em được trao tặng năm sau cao hơn năm trước và các em may mắn được thụ hưởng từ chương trình luôn nỗ lực để có kết quả học tập khá - giỏi, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn - Hội tổ chức.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc