Multimedia Đọc Báo in

Cảm ơn nghề báo!

08:21, 15/01/2024

Tôi gắn bó với nghề báo đến nay là 15 năm, đã có không biết bao nhiêu chuyến đi ngập tràn kỷ niệm. Thời gian chưa phải là dài, tuy nhiên, đối với tôi, những chuyến đi, những bài viết lúc mới vào nghề với bao vui buồn, bỡ ngỡ, hồi hộp, vất vả luôn để lại những cảm xúc đặc biệt.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi “lang thang” ở quê nhà Nghệ An viết bài cộng tác với một số báo Trung ương và địa phương một thời gian rồi được vào công tác tại Báo Đắk Lắk từ ngày 2/11/2009. Hành trang khi đó chỉ là chiếc ba lô đựng mấy bộ đồ cùng chiếc máy ảnh kỹ thuật số "cà tàng". Thế nhưng, điều quan trọng nhất giúp tôi đứng vững với nghề báo và chưa hết trăn trở với nghề chính là sự đam mê và một tâm hồn trong sáng.

Ngày mới đặt chân lên Tây Nguyên, vùng đất này hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Mặc dù đầy háo hức nhưng tôi cũng cảm thấy “khó sống” ở đây. Tôi hoàn toàn lạ lẫm với những vạt cà phê quay quắt trong gió mùa khô, những đứa trẻ con em đồng bào Êđê tóc cháy vàng và cả những xóm người Mông không ai giao bằng tiếp tiếng phổ thông với mình… Để có tư liệu viết tin, bài, cánh phóng viên như tôi phải thường xuyên đi cơ sở. Với những phóng viên trẻ, lại càng “máu” đi. Mới vào nghề, không có ý tưởng, đề tài nhưng vẫn xách ba lô cùng tấm bản đồ phóng xe đi khắp nơi. Lúc đầu là cứ theo các tuyến quốc lộ đến các huyện, đi hết quốc lộ thì xem bản đồ những tuyến tỉnh lộ để đi. Không có nhiều tiền nên cứ đi 2 – 3 lần thì “cháy túi”, lại về. Hai tháng sau khi vào tòa soạn, tôi không viết được chữ nào trên báo. Lại tiếp tục đi, quan sát, hỏi chuyện và rồi bắt đầu có đề tài cho báo…

Tác giả trong một chuyến tác nghiệp ở xã Nam Kar (huyện Lắk). Ảnh: Tuyết Mai

Khi vào nghề, tôi nhận ra rằng, kiến thức nền tảng được học trong trường tuy quan trọng, nhưng những chuyến đi, trải nghiệm thực tế, những va vấp mới giúp tôi dần “lớn” lên. Do đó, cùng với học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm từ những đồng nghiệp đi trước, tôi thường xuyên đi cơ sở để khám phá, tích lũy kiến thức và vốn sống. Những vùng đất tôi đã đặt chân đến, những con người tôi đã từng được gặp, những câu chuyện tôi đã từng được nghe…, tất cả đều là những kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian làm báo. Đó là bữa cơm tối với cá khô cùng thầy cô giáo trên “cổng trời” Ea Lang (huyện Krông Bông), là chiếc áo khoác cũ nhường lại cho cậu học trò người Mông ở xã Cư San (huyện M’Drắk) co ro vì lạnh, là lần bị lâm tặc đuổi chạy thục mạng ở rừng Bình Lợi (huyện Ea Súp)…

Nhiều người nói rằng, nghề báo là nghề nghiệt ngã. Quả đúng như vậy, cái nghề này lắm vất vả, khó khăn, đầy áp lực, cám dỗ và hiểm nguy. “Bạc” như thế, nhưng, nghề báo cũng có bao nhiêu niềm vui, niềm hạnh phúc cho người cầm bút.

Báo Đắk Lắk là nơi tôi đã để lại những năm tháng tuổi trẻ đam mê rong ruổi. Đôi khi nghĩ lại thầm cảm ơn nghề báo đã cho tôi nhiều trải nghiệm đặc biệt, những chuyến đi để trưởng thành. Chỉ mong rằng bản thân vẫn luôn giữ được "lửa" nghề và sự trong trẻo như những ngày đầu.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.