Multimedia Đọc Báo in

Chợ truyền thống đìu hiu những ngày giáp Tết

08:15, 29/01/2024

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhưng nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách.

Dạo quanh một vòng các chợ truyền thống tại thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột có thể thấy, những mặt hàng phục vụ dịp Tết đã được bày bán với nhiều mẫu mã đa dạng, đẹp mắt. Tuy nhiên, lượng người mua sắm vẫn rất thưa thớt.

Là tiểu thương bán quần áo tại chợ thị xã Buôn Hồ đã 30 năm, nhưng chưa năm nào bà Đặng Thị Dửng thấy việc buôn bán lại ế ẩm như năm nay. Theo bà Dửng, thường thì đầu tháng Chạp, người dân đã rục rịch đi mua sắm Tết, không khí mua bán rất tấp nập. Tiểu thương liên tục nhập hàng mới mà vẫn lo không đủ để bán thì năm nay chợ rất vắng khách. Năm trước, thời điểm này, trung bình mỗi ngày bà bán được 1 - 2 triệu đồng tiền hàng, thì năm nay chỉ bán được 200.000 – 300.000 đồng, thậm chí có nhiều hôm ngồi cả buổi nhưng không bán được món hàng nào. “Cả năm buôn bán khó khăn, tiểu thương chỉ trông chờ vào dịp Tết, nhưng với tình hình này, tôi chỉ mong bán hết số quần áo còn tại sạp để cuối năm có tiền tất toán cho bạn hàng. Tôi cũng tính chuyển sang bán hàng online nhưng tuổi cao, mắt kém, lại học chậm nên đành thôi”, bà Dửng than thở.

Cận Tết nhưng sạp bán hàng đồ dùng gia đình của Lê Thị Thùy Như (tiểu thương tại chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột) vẫn vắng khách mua.

Tương tự, buôn bán mặt hàng quần áo đã hơn 10 năm nay, chị Nguyễn Hằng Nga, tiểu thương tại chợ trung tâm Buôn Ma Thuột có nhiều khách quen, nhưng những ngày này cũng vắng bóng người mua. Chị Nga cho biết, so với thời điểm này năm ngoái thì sức mua giảm khoảng 50%. Do tình hình kinh tế khó khăn nên người dân chi tiêu tiết kiệm, mua sắm ít lại. “Dịp Tết năm nay, một số mặt hàng quần áo có tăng giá nhẹ nhưng tôi không dám bán theo giá tăng, chấp nhận thu hẹp lợi nhuận để giữ chân khách hàng và duy trì việc kinh doanh qua giai đoạn khó khăn. Hy vọng, vài ngày tới đây, tình hình buôn bán sẽ khởi sắc hơn”, chị Nga chia sẻ.

Cách đây một tháng, chị Lê Thị Thùy Như, tiểu thương bán các mặt hàng dụng cụ gia đình tại chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột đã bắt đầu nhập hộp đựng mứt, ly, chén… để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết của người dân. Tuy nhiên, thời điểm này đã cận kề Tết nhưng lượng khách đến mua hàng vẫn không mấy khác biệt so với ngày thường. Mỗi ngày chỉ bán được từ 2 – 3 triệu đồng tiền hàng (chỉ bằng 1/2 doanh thu của năm trước) nên chị Như đã quyết định ngưng không nhập hàng nữa, tránh phải “ôm” hàng tồn quá nhiều.

Chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột thưa thớt khách vào mua hàng.

Còn đối với ông Lưu Ngọc Hoàng, tiểu thương bán bánh, kẹo tại chợ trung tâm Buôn Ma Thuột, nhận thấy sức mua năm nay chậm nên ông đã chủ động nhập về lượng hàng chỉ bằng 60% so với năm trước. Ông Hoàng cho biết: "Các sản phẩm bánh, kẹo, mứt, đồ khô… là những mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh vào dịp Tết. Năm nay, hàng hóa rất đa dạng, có chất lượng tốt, giá cả ổn định, nhưng lượng khách mua hàng rất thưa thớt, chỉ hơi đông vào ngày cuối tuần. Với đà này, tôi nghĩ khó mà bán hết được hàng".

Theo các tiểu thương, tình hình kinh tế khó khăn, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, mua sắm tiết kiệm; cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các kênh bán hàng online… đã khiến chợ truyền thống đang mất dần sức hút, trở nên vắng khách ngay cả khi bước vào mùa mua sắm cuối năm.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.