Đâu chỉ là ăn cỗ…
Dù dịch vụ gia chánh, nhà hàng nở rộ, có thể đặt món bất cứ lúc nào; nhưng ở một số vùng thôn quê và các gia đình vẫn xắn tay, góp sức để nấu cỗ. Mệt có, vất vả có, song những bữa tiệc ấy cũng rất ấm tình người.
Để chuẩn bị cho một đám cưới hỏi, giỗ chạp, dựng nhà,… từ rất nhiều ngày trước, đại gia đình, dòng họ đã ngồi lại họp bàn, lên kế hoạch chuẩn bị tươm tất mọi thủ tục, nghi lễ. Dẫu quyết định tổ chức quy mô lớn hay nhỏ, vài chục khách hay con số lên hàng trăm, thì nhiều thế hệ trong một gia đình, thậm chí hàng xóm xung quanh đều tham gia góp công, góp sức làm cỗ.
Cỗ quê là dịp để anh em, con cháu sum vầy. Quả đúng vậy, dù bận bịu trăm bề, ở gần hay xa, nhưng những dịp tổ chức tiệc cưới xin, giỗ chạp, gần như mọi thành viên trong đại gia đình đều thu xếp về dự đông đủ. Không đợi phải nhắc nhở, ai cũng có mặt từ sớm, xắn cao tay áo để phụ giúp chủ nhà. Bên nhau, những lời thăm hỏi, chuyện trò như được kết lại gần hơn, giúp anh em xa gần thêm thấu hiểu, đồng cảm trước mọi vui buồn, gian khó trong cuộc sống.
Tham gia cỗ tiệc, học hỏi biết bao điều hay. Hầu hết những đứa trẻ sinh ra từ làng quê thường được học sớm và biết sớm việc cơm nước, vườn ruộng. Trực tiếp phụ giúp người thân nấu cỗ cũng là cách để người trẻ có thêm kinh nghiệm chọn nguyên liệu, gia vị đi kèm, chế biến sao cho vừa đủ số lượng khách, nêm nếm các món ăn, học nấu thêm nhiều món mới. Nhỏ tuổi hơn thì học cách phân biệt các loại cá, loại rau. Đôi khi, còn học cả cách dạn dĩ trước đông người, ghi nhớ tên từng người thân, họ hàng gần xa… mà người lớn chỉ dạy.
Mâm cỗ ở quê được các chị, các mẹ bày nấu, trang trí đẹp mắt. |
Nếu trước đây, những bữa tiệc ở quê thường sơ sài, giản đơn, thì nay, khi điều kiện kinh tế đủ đầy hơn, bà con đã biết “làm đẹp” hơn cho mâm cỗ. Không chỉ là câu chuyện sắp xếp các món ăn sao cho hài hòa, mâm cỗ quê còn được các bà, các mẹ, các chị tạo nấu nhiều món ăn vừa đậm vị truyền thống, vừa mang tính hiện đại. Ví như, trên mâm cỗ tất niên không thể thiếu bánh chưng, dưa kiệu, giò chả, xô; ngoài ra còn có thêm các món ngũ quả luộc, salad, nước uống đủ loại phù hợp với khẩu vị người trẻ lẫn người già. Một đại gia đình đến từ nhiều vùng miền, có nhiều thành phần dân tộc, thì mâm cỗ càng đa dạng hơn. Có khi món gỏi cà đắng của người Êđê, vịt quay lá mắc mật ở xứ Lạng Sơn, lẩu mắm miền Tây,… đều có mặt trên một mâm, khiến ai cũng xuýt xoa, tấm tắc thưởng vị.
Chuẩn bị cho cỗ tiệc là cả sự kỳ công, cả tấm lòng, trách nhiệm, sự cộng đồng của nhiều người, nhiều gia đình. Tự nấu cỗ sẽ bận rộn, vất vả và tất bật hơn rất nhiều, nhưng cũng ẩn chứa nhiều ý nghĩa, giá trị thiêng liêng dù ở thời xưa hay trong nhịp sống hiện đại.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc