Multimedia Đọc Báo in

Giới trẻ đón Tết thế nào?

08:40, 31/01/2024

Đã có bao giờ, các bậc phụ huynh nhìn lại và nghĩ, sự thật bọn trẻ muốn ăn Tết thế nào. Mỗi gia đình, nên có điều chỉnh ra sao để hòa hợp được nhu cầu và sở nguyện của mọi thành viên, để mùa Tết đến sẽ là những ngày nghỉ thật vui?

Bản thân người viết được liệt vào danh sách “thế hệ 7x”, mỗi mùa xuân về lại cảm nhận sự háo hức trong lòng mình, cùng rất nhiều lo toan, suy nghĩ. Song, khi nhìn nhận lại giới trẻ, lớp con cháu chung quanh, chợt nhận ra chính mình đã rất thờ ơ để không hiểu được, trong tâm ý thế hệ trẻ ấy, Tết mang sắc thái gì, và làm sao để bọn trẻ yêu Tết, cảm nhận Tết với đầy đủ sắc thái tinh thần.

Lạc lõng giữa mùa xuân?

Trên trang mạng xã hội của mình, cô bé Candy First (nick name) 14 tuổi chọn một gương mặt rất bi thảm để diễn tả ngày Tết sắp đến của mình. Cô bé không ngại bày tỏ: “Cực hình luôn. Cứ nghĩ đến những ngày Tết là mình khốn khổ”. Trong diễn tả của cô bé, chuẩn bị Tết là cả một giai đoạn mệt mỏi, khi bố mẹ yêu cầu cô phải cùng anh trai dọn nhà, lau mọi ngóc ngách, rồi bày biện hoa trái theo ý bố mẹ. Ngày 30 Tết, cả “một núi” việc không tên mang nghĩa sắm sửa… Cô bé mong Tết đi qua nhanh, và tự thấy mình “lạc lõng giữa mùa xuân”.

Một góc chơi xuân của các bạn trẻ ở Nha Trang.

Hơi khác một chút nhưng cũng cùng tâm trạng, thanh niên “cứng” T. Vân người Quảng Nam đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, đã gần 30 tuổi rồi nhưng bạn vẫn “rất trẻ con” trong mắt gia đình. Chưa có người yêu để dẫn về, T. Vân luôn về quê ăn Tết sau ngày 27 tháng Chạp, và tuần lễ tiếp đó là một tuần phải thực hiện rất nhiều yêu cầu từ ba mẹ, ông bà. Dọn nhà cửa, làm cỗ bàn, chỉ tranh thủ lắm mới chạy ra được ngoài quán cà phê ngồi với bạn học cũ cũng về quê ăn Tết, nhưng ngồi chưa bao lâu đã bị mẹ gọi về lại rồi.

Anh Huỳnh Việt H., một chuyên gia tâm lý tại Đà Nẵng chia sẻ, không phải bố mẹ nào cũng để ý lại chính những lựa chọn ngày Tết của mình sẽ được các con đón nhận ra sao, và liệu bản thân mình có chấp nhận cho bọn trẻ quyết định sẽ ăn Tết ra sao. Đa phần bố mẹ đều cho rằng, bọn trẻ không ưa thích phong vị cổ truyền, mọi thời gian chỉ “cắm đầu vào điện thoại, chơi game” và lười làm các công việc sắm sanh cho ngày lễ, Tết tươm tất. Đây là khác biệt quan điểm của hai thế hệ và chung quy, bố mẹ cứ phải “áp đảo” con cái mà không để ý rằng, sự thờ ơ của mình càng khiến bọn trẻ xa lạ hơn với không gian Tết!

Cần sự hòa điệu và cách tân

Trong dòng sinh hoạt xôn xao những ngày cận Tết, người viết gặp nhóm bạn trẻ tham gia Câu lạc bộ Đình Làng Việt (Hà Nội), những bạn trẻ 20 – 30 tuổi nhưng rất thích văn hóa truyền thống. Các bạn đang tranh luận với nhau về chọn trang phục áo ngũ thân thế nào trong những ngày xuân, nên bày biện nhà cửa ra sao cho đúng phép tắc lễ nghi. Những câu đối đỏ, những cành đào tươi đã hình thành trong suy nghĩ của các bạn, để làm sao sắm được, đem về nhà.

Một thành viên câu lạc bộ nhìn nhận, vấn đề không nằm ở thế hệ, mà nằm ở chính quan điểm mỗi cá nhân ra sao, mà điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tri thức văn hóa được tiếp nạp thế nào. Nếu những người lớn có tinh thần cởi mở, mạnh dạn hòa nhập, hướng dẫn cho các bạn trẻ hiểu thấu văn hóa cha ông, định hướng cho giới trẻ tìm thấy sự tương thích, hài hòa văn hóa hiện đại với truyền thống, sẽ khơi gợi thành công sự hòa điệu của thế hệ đi sau. Từ góc độ này, các bạn trẻ sẽ cập nhật tri thức, thêm hiểu biết, và hứng thú với tâm lý ngày xưa, yêu những hình ảnh văn hóa vốn dĩ. Quan trọng hơn, với sự hợp tác từ cả hai phía, các bạn trẻ sẽ có thể cập nhật những thông tin, cách hành xử hiện đại, kể cả ứng dụng công nghệ số vào nếp nghĩ, cách làm xưa cũ, tạo ra không gian rất hiện đại nhưng ấm cúng trong những gia đình đón Tết.

Các bạn trẻ với áo ngũ thân truyền thống trong ngày lễ, tết.

Một mâm lễ đủ các thức ăn cổ truyền, bày biện dưới ánh đèn LED rực rỡ, tiếng nhạc số cổ điển. Một cành đào duyên dáng gắn những bóng điện huỳnh quang kèm tiếng pháo râm ran… qua loa bluetooth. Cả gia đình mặc áo ngũ thân truyền thống trong sáng đầu năm đi lễ chùa, và bố mẹ giao lại phòng khách cho cậu con trai đón bạn bè đến hát ca tối mồng hai Tết. Đến nhà ông bà chúc Tết là cơ hội khoe với ông bà những ứng dụng thông minh trong sinh hoạt hiện đại như dùng AI làm thơ chúc thọ và vẽ tranh ký họa bố mẹ. Đó là những cách thức đơn giản để các gia đình kết nối được những không gian, quan niệm thế hệ khác nhau, tạo nên những không gian mùa xuân vui vẻ, ấm cúng trong mỗi người.

“Bảo Candy bày bánh chưng, dưa món xong thì có thể đặt thêm suất pizza nó thích”. Người viết đã nhắn cho bố cô bé lời nhắc ấy và nhận lại một icon "ngón tay cái" ủng hộ. Nghĩa là mùa xuân này, cô bé Candy sẽ vui vẻ, ồn ào hơn bên bố mẹ và có thể không còn “lạc lõng giữa mùa xuân nữa”? T. Vân báo tin rằng bạn ấy sẽ về Hội An đúng ngày 29 Tết để tham gia đi trao bánh chưng cho người nghèo theo đúng nếp sinh hoạt nhiều năm ở của thành phố này. Nghĩa là mùa xuân đang đến, với những sự hòa hợp tốt hơn, không còn những băn khoăn trong lòng cha mẹ, rằng giới trẻ ăn Tết thế nào.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.