Khi phụ nữ lái taxi
Trong chuyến đi đến buôn Kon H’ring, xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar) mới đây, chúng tôi lên chiếc xe taxi do một phụ nữ trung niên cầm lái. Từ Buôn Ma Thuột vào buôn hơn 60 km, chiếc xe vận hành êm ái và chúng tôi đã được nghe câu chuyện nghề thú vị, nhiều cung bậc cảm xúc của nữ tài xế...
Dọa… ly dị để được học lái xe
Chị tên là Đặng Thị Tuyết Nhung (SN 1970), là lái xe Công ty taxi Quyết Tiến, TP. Buôn Ma Thuột.
Trước đây chị làm nghề buôn bán, hết bán rau lại bán bánh bò, vất vả mà thu nhập chẳng là bao. Chồng chị vừa chạy thuê xe tải, vừa chăm mấy sào đất rẫy. Năm chị 40 tuổi, người em trai gợi ý chị nên đi học lái xe về chạy taxi, ngày may mắn có thể kiếm được vài ba trăm nghìn đồng. Nghe thu nhập cao, chị cũng muốn đổi nghề để mong có cuộc sống đỡ nhọc nhằn. Chị về bàn với chồng, thuyết phục mãi mà anh vẫn không chịu. Chị chuyển sang dọa... viết đơn ly dị. Anh bảo: “Tui không có tiền đâu, học thì tự lo liệu”.
Gần 4 tháng đi học lái xe, chị Nhung thi đạt sát hạch ngay lần đầu.
Vừa có giấy phép lái xe ngày hôm trước, ngày hôm sau chị dự cuộc tuyển dụng lái xe của Công ty taxi Quyết Tiến. Mất một ngày kiểm tra tay lái và học luật cũng như cách chăm sóc, phục vụ khách hàng, chị được tuyển dụng.
Ngay ngày đầu vào nghề, chị đã được một khách nữ thuê chở từ TP. Buôn Ma Thuột sang tỉnh Gia Lai. Quãng đường đi về gần 400 km, chị vừa chạy vừa run, lưng ướt đẫm mồ hôi. Khách chê chị chạy chậm quá, chị chỉ biết trả lời: “Đi chậm cho an toàn rồi sớm muộn gì cũng tới...”.
Thời đó công ty chưa có “app” như bây giờ. Cứ nghe bộ đàm công ty thông báo ở đâu có khách, chị lại vội vã quay đầu xe đến. Không cạnh tranh được với những tài xế trẻ, cứ đến nơi thì khách đã lên xe khác. Rồi vài lần va quẹt do thiếu kinh nghiệm... Thu nhập không đủ tiền sửa xe và đổ xăng, chị Nhung chán nản trả xe để quay lại nghề bán bánh bò.
Chồng chị được dịp dè bỉu: “Tôi đã bảo rồi mà bà cứ ham hố, nói không chịu nghe”… Câu nói của chồng khiến chị chạnh lòng. Chị thuyết phục chồng mua cho mình chiếc xe ô tô để quyết tâm làm lại. Anh xuôi lòng mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng mua chiếc xe mới trị giá gần 400 triệu đồng. Chị Nhung trở lại với những nẻo đường xuôi ngược. Trong khi các lái xe khác ngủ, nghỉ thì chị thức chạy, có hôm chạy xuyên đêm đến sáng mới về nhà chợp mắt.
Bao nhiêu khó khổ chị đều chịu được, nhưng khổ hơn cả là dư luận. Tiếng tốt không thấy, chỉ lọt vào tai những câu chuyện khó nghe: “Đàn bà mà đi suốt đêm”, “Làm cái nghề cơm chợ, chồng ngoài đường”…; đến nỗi chồng chị hiền lành vậy nhưng cũng có lúc anh lên tiếng: “Cho bà đi chạy taxi mà tui cũng không yên, họ bảo thấy bà vào khách sạn với trai đó”. Chị vừa giận, vừa buồn đến trào nước mắt. Chị nói: “Tóm lại, nếu anh nghi ngờ thì tui ở nhà. Anh đi làm kiếm tiền đi... Tui cũng muốn nghỉ lắm!”.
Chị Nhung trong một lần chở khách. |
Những chuyện vui buồn
Chạy thâu đêm suốt sáng mong có đồng tiền góp lại để trả lãi ngân hàng hằng tháng đã không dễ dàng, có tháng ế khách chị Nhung phải vay nóng, vay nguội lo lắng đến tím ruột, bầm gan. Lâu lâu lại gặp khách lừa đảo, đi xe không muốn trả tiền càng khiến nghề chạy taxi của chị thêm phần gian nan.
Chị Nhung chia sẻ: “Những kẻ lừa đảo có trăm phương ngàn kế. Dẫu đã biết, đã đề phòng, đã bị lừa mất thời gian, mất tiền xăng... vậy mà vẫn không tránh được”. Có thanh niên lịch lãm mặc áo da, đi giày hàng hiệu bảo chị chở đi xuống huyện M’Drắk với quãng đường đi về gần 200 km; rồi dọc đường khách bảo dừng đi vệ sinh và… biến mất!
Lại có người gọi chở đến Ea Súp để gặp đối tác ký hợp đồng làm ăn, gần tới nơi anh ta bảo ghé chợ mua chút quà cho đối tác. Chị ngồi chờ nửa tiếng, rồi một tiếng... mà khách vẫn biệt tăm đành nuốt nước mắt quay đầu xe về. Lại có chuyến hành khách ngã giá từng đồng, chốt giá 170.000 đồng đi huyện Krông Pắc; đến nơi, anh ta chỉ đưa 100.000 đồng mà không dám đòi vì bị đe dọa.
Phụ nữ chạy taxi khó tránh khỏi sự trêu ghẹo. Chị kể: “Ngán nhất là gặp khách say xỉn. Có người tính làm bậy trên xe, chị dọa xe có camera, sẽ đưa bằng chứng ra tố cáo mới thôi”.
Bên cạnh những câu chuyện buồn, cũng có những chuyện ấm áp đầy tình người. Như lần chị chở cặp vợ chồng và một đứa con về An Giang với quãng đường gần 700 km. Về đến nhà, bà con, gia đình người ta ra đón. Họ nhìn nữ bác tài hơn 40 tuổi chạy taxi đi quãng đường dài mà vô cùng thán phục và mời vào nhà tiếp đón nồng hậu, ấm áp khiến chị nhớ mãi.
Có những lần chị chủ động giúp người, như lần chở khách từ phố vào xã Ea Kao, chị để ý thấy người đàn ông tàn tật vẫy tay xin đi nhờ. Đến khi trả khách xong đi ra vẫn thấy người đàn ông đứng vẫy, chị quyết định quay xe chở ông về một đoạn. Lại có hôm trời mưa, trên đường trở về chị thấy có người mẹ trẻ, lưng địu con nhỏ, tay xách đồ đạc lỉnh kỉnh đứng đón xe. Thấy thương quá, chị lùi xe cho hai mẹ con quá giang về phố để đón xe buýt...
Kết thúc câu chuyện, chị Nhung tâm sự: “14 năm xuôi ngược, tuy vất vả nhưng cũng có không ít niềm vui. Vui nhất đến hôm nay là nợ ngân hàng đã trả xong, còn lại chiếc xe làm vốn để tiếp tục lái đến khi còn có thể”...
Trương Nhất Vương
Ý kiến bạn đọc