Những nghề muôn năm cũ
Nhiều thập niên trước, những nghề như: sửa chữa đồ điện tử, sửa đồng hồ, chụp ảnh dạo, bán sách báo cũ… từng có một thời phát triển thịnh vượng và được nhiều người biết đến. Theo thời gian, với sự phát triển của xã hội, cùng nhịp sống hối hả, tấp nập nơi phố thị khiến những người làm nghề này càng ít dần.
Nghề sửa đồng hồ trên đường phố đã qua thời hưng thịnh, tuy nhiên trên vài con đường ở TP. Buôn Ma Thuột như Quang Trung, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong… chúng ta vẫn còn nhìn thấy những người thợ đang cần mẫn, cặm cụi tìm lại “sức sống” cho những kỷ vật thời gian.
Ngồi sau chiếc tủ kính nhỏ đã cũ kỹ ở vỉa hè trên đường Quang Trung, ông Đặng Văn Quang (SN 1960) cẩn thận lấy chiếc kính lúp gắn vào mắt để tháo những chi tiết nhỏ bé, tinh vi của chiếc đồng hồ mà khách hàng nhờ sửa.
Vừa lau dầu, thay pin cho chiếc đồng hồ cũ, ông Quang vừa kể lại những kỷ niệm về nghề đã gắn bó với mình gần 40 năm nay. Năm 1986, ông Quang bắt đầu “bén duyên” với nghề này, bởi chân ông bị tật, sức khỏe không cho phép để làm những việc khác.
Thời đó, đồng hồ đeo tay là một đồ vật có giá trị, nên thợ sửa đồng hồ cũng có thu nhập tương đối ổn định, có thể vừa lo cho cuộc sống gia đình, vừa tích lũy kinh tế về sau.
Còn hiện tại do các thiết bị điện tử khác như điện thoại, máy tính bảng đều có tích hợp tính năng của đồng hồ nên nhiều người đã không còn xem đồng hồ đeo tay là vật dụng cần thiết nữa. Bên cạnh đó, các cửa hàng kinh doanh, mua bán đồng hồ đều có thợ để bảo hành, sửa chữa nên khách hàng đến với những người sửa chữa “tự do” như ông Quang dần thưa thớt hơn.
Ông Đặng Văn Quang cẩn thận, tỉ mỉ sửa chữa đồng hồ cho khách. |
Ông Quang kể: Đã gần 40 năm nay, tôi vẫn ngồi “ké” ở khu vực này để phục vụ cho những người có nhu cầu sửa đồng hồ. Ngày nhiều thì được 5 - 7 khách đến thay pin, phụ tùng, có ngày thì chẳng có ai nên thu nhập cũng bấp bênh lắm. “Do không mất chi phí thuê mặt bằng, với thu nhập mỗi ngày khoảng hơn 100.000 đồng cũng giúp gia đình đắp đổi qua ngày nên tôi sẽ tiếp tục bám trụ với nghề đã gắn bó từ thời trai trẻ và cùng tôi vượt qua những thăng trầm của cuộc sống”, ông Quang bộc bạch.
Cũng thăng trầm và xưa cũ như thế, nghề bán sách báo cũ từng có thời “hoàng kim” giờ cũng dần bị mai một khi những người làm nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nằm nép mình khiêm tốn trên đường Lê Duẩn với chiều ngang chỉ khoảng 2 m, tấm biển quảng cáo cũng cũ kỹ sẽ khiến nhiều người khó nhận ra đây là một tiệm sách báo cũ.
Chủ tiệm sách này là anh Lưu Dũng (SN 1972, dân tộc Hoa). Anh Dũng chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên ở TP. Hồ Chí Minh. Những năm 2000, gia đình anh mua rẫy để trồng cà phê ở huyện Krông Năng.
Sau những giờ làm rẫy, lúc nông nhàn thì anh không có gì để giải trí, nhất là trong những ngày mưa dầm của miền đất Tây Nguyên. Thế là anh lóe lên suy nghĩ mang sách báo từ TP. Hồ Chí Minh lên để đọc giải trí lúc rảnh rỗi. Ấy vậy mà, những người ở địa phương lại có nhu cầu đọc và mua sách cũ nên từ đó về sau, mỗi lần về TP. Hồ Chí Minh anh lại mang theo dăm bảy chục cuốn sách cũ lên Đắk Lắk để “khởi nghiệp”.
Ban đầu chỉ là trải tấm bạt nhỏ trên lề đường ở những nơi đông người như bến xe, cổng trường học… với các loại sách tiểu thuyết, truyện tranh. Dần dà, khi khách quen ngày càng nhiều, anh đã thuê mặt bằng mở tiệm ở khu vực Trường Đại học Tây Nguyên, rồi sau đó chuyển về địa chỉ 334 Lê Duẩn như bây giờ.
Anh Lưu Dũng và tiệm sách báo cũ của mình. |
Mặc dù không gian tiệm sách rất nhỏ hẹp, song với bản tính cẩn thận nên các kệ sách được anh sắp xếp khá khoa học, ngăn nắp.
Anh Dũng hồi tưởng: “Những năm trước đây, lượng khách đến mua sách báo cũ nhiều lắm nên đã mang lại thu nhập khá cao cho tôi. Chỉ riêng sách giáo khoa thì tôi vừa bán lẻ tại cửa hàng vừa bán buôn về các huyện, khối lượng mỗi năm học có khi phải đến vài tấn”.
Theo anh Dũng, hiện nay do sự phát triển của các phương tiện kỹ thuật hiện đại, tiện lợi như điện thoại thông minh, máy tính bảng… giúp cho việc đọc sách online trở nên dễ dàng, phổ biến nên số người giữ thói quen đọc sách ngày càng ít dần, tỷ lệ thuận với số khách hàng và lợi nhuận của anh cũng giảm theo.
Hiện nay, thu nhập từ nghề này chỉ còn khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí thuê mặt bằng cũng giúp anh duy trì được cuộc sống hằng ngày giữa lúc kinh tế còn nhiều khó khăn. Dẫu có sự thay đổi, thịnh suy là thế, nhưng khi hỏi về khả năng đổi nghề khác thì anh Dũng quả quyết sẽ tiếp tục duy trì, bởi niềm đam mê, sự gắn bó trong anh còn nhiều lắm…
Nhịp sống phố thị thời hiện đại ngày càng năng động khiến nhiều nghề “muôn năm cũ” dần phai mờ vì khó trụ lại được trước sự phát triển của xã hội, của thị trường. Đối với những người đã trót “yêu nghề” và coi đó là “nghiệp” như ông Quang, anh Dũng thì họ luôn tâm niệm rằng, thời thế thay đổi là điều tất yếu, là quy luật của cuộc sống.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc