Vi vu diều sáo...
Những cánh diều no gió hòa cùng tiếng sáo vi vu giữa trời tại Hội thi Diều sáo TP. Buôn Ma Thuột mở rộng lần I - năm 2024 do Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột vừa tổ chức đã để lại ấn tượng sâu sắc cho đông đảo những người tham dự.
Tại hội thi, con diều đầy màu sắc của anh Đoàn Trung (40 tuổi), thành viên Câu lạc bộ (CLB) Diều sáo TP. Buôn Ma Thuột, khá nổi bật với hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận.
Được biết, anh đã dành hai tháng ròng rã lên ý tưởng, chọn vải và hoàn thành con diều để tham gia hội thi.
“Trong quá trình lên ý tưởng thiết kế, tôi muốn tái hiện lại những sự kiện lịch sử vẻ vang của người Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn đưa thêm hình ảnh của loài voi, loài vật quen thuộc gắn với đời sống người dân mình bao đời nay và là biểu tượng của tỉnh Đắk Lắk. Từng chi tiết nhỏ trên con diều đều do tôi tự tay chọn vải và may thủ công chứ không sử dụng phương pháp in”, anh Trung chia sẻ.
Chính sự kỳ công, tâm huyết và kết hợp đầy ý nghĩa đó đã giúp con diều của anh Trung đoạt giải Nhất trong phần thi Diều sáo đẹp.
Thí sinh chuẩn bị cho diều cất cánh. Ảnh: Vạn Tiếp |
Có thể thấy, diều sáo là bộ môn phù hợp với mọi lứa tuổi. Trẻ em từ 6 – 10 tuổi hay chơi diều nhỏ có kích thước sải cánh từ 2 – 2,5 mét, người lớn tuổi thì chơi những con diều lớn có kích thước sải cánh từ 4 mét trở lên với dàn sáo kép kỳ công. Là thí sinh nhỏ tuổi nhất tại hội thi, em Phạm Sỹ Hải Đăng (7 tuổi), thành viên CLB Diều sáo Đại Đăng – TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã thể hiện niềm đam mê thực sự khi theo chân bố và các chú trong CLB rong ruổi cùng những cánh diều ở nhiều hội thi diều sáo trên toàn quốc. “Em đã cùng bố làm con diều sáo này trong ba tuần để tới dự thi. Dù không được giải nhưng em cảm thấy rất vui và tự hào khi được cùng mọi người giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Việt Nam”, Hải Đăng vui vẻ bày tỏ.
Các thành viên của CLB Cánh diều quê hương (Đồng Xoài, Bình Phước) đã đến chuẩn bị cho hội thi từ sớm. Ảnh: T. Thảo |
Dù đôi mắt không còn tinh anh như thời trẻ, nhưng ông Nguyễn Văn Tường (74 tuổi, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn chăm chú dõi theo những cánh diều dập dìu trong gió cùng tiếng sáo vang vọng. Từng là chủ nhiệm đầu tiên của CLB Diều sáo tỉnh Đắk Lắk từ năm 1980 và vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê của mình đến tận bây giờ, ông Tường xúc động bày tỏ: “Tiếp xúc với bộ môn này từ lúc 5 tuổi, tôi đã từng tham gia thi và đạt giải tại hơn 10 cuộc thi trên toàn quốc. Tôi luôn mong ở tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ tổ chức những cuộc thi như vậy để anh em đam mê bộ môn diều sáo có nơi để giao lưu, học hỏi nên rất vui khi ngày hôm nay, mong ước đó đã trở thành sự thật”.
Cánh diều của CLB Cánh diều quê hương tại hội thi. Ảnh: Lê Khải |
Với sự tham gia của gần 100 thí sinh đến từ 11 CLB Diều sáo ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng…, hội thi này còn là cơ hội để mọi người đến trải nghiệm, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, con người và ẩm thực tại TP. Buôn Ma Thuột, tạo cơ hội quảng bá du lịch. Anh Bùi Văn Quấn (54 tuổi), thành viên CLB Cánh diều quê hương (Đồng Xoài, Bình Phước) chia sẻ: " Được anh em trong CLB Diều sáo TP. Buôn Ma Thuột giới thiệu một số điểm du lịch, đoàn chúng tôi đã đến đây trước một ngày để cùng nhau đi khám phá ẩm thực và văn hóa bản địa tại các buôn du lịch, nhờ đó có những trải nghiệm vô cùng thú vị tại vùng đất này. Tôi sẽ đưa gia đình, người thân và bạn bè đến đây để có được giây phút thư giãn cùng những trải nghiệm thú vị khi du lịch trong một ngày gần nhất".
Diều sáo no gió vi vu tại hội thi. Ảnh: Lê Khải |
Lần đầu tiên tổ chức, tuy gặp không ít khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm hỗ trợ của địa phương cùng các đơn vị liên quan, Hội thi Diều sáo TP. Buôn Ma Thuột mở rộng lần thứ I - năm 2024 đã thành công tốt đẹp. Bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Hội thi được tổ chức nhằm khôi phục, gìn giữ và lưu truyền nét văn hóa nghệ thuật độc đáo của người Việt xưa. Chúng tôi sẽ lên kế hoạch để đưa hội thi trở thành một hoạt động thường niên, tạo sự gắn kết giữa các thành viên các CLB trong và ngoài tỉnh, đồng thời thu hút khách du lịch đến với vùng đất Đắk Lắk”.
Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc