Multimedia Đọc Báo in

Học nhìn cuộc đời như vốn thế

19:29, 19/02/2024

Những ngày đầu năm, tôi đã thấm thía rằng, mọi lời chúc an lành, vững tâm chỉ có thể thành sự thật khi chính mình đối diện với nỗi đau và tìm cách vượt qua.

Khi chúng ta gặp buồn phiền, bạn bè vì lo lắng mà thường giục giã chúng ta “ra khỏi nhà hay tìm những thú vui cho khuây khỏa”. Đúng là việc ra khỏi nhà giúp chúng ta khuây khỏa muộn phiền thật nhanh và thấy rõ. Nhưng như bản chất của “khuây khỏa”, muộn phiền chỉ tạm thời mất đi. Việc đọc sách, đi bộ, đi chơi, đi ăn… cùng bạn dẫu rất đáng quý và rất cần nhưng không thể giúp chúng ta giải quyết tận gốc nỗi buồn đau.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Nhiều người dễ đồng ý rằng, sự trải nghiệm và sức chịu đựng của mỗi người sẽ mang lại các trạng thái cảm xúc khác nhau. Người nào càng có nhiều trải nghiệm, sức chịu đựng tốt thì càng đỡ phải chịu dằn vặt khi phải đi qua những khổ đau, gian khó. Mà nỗi đau nhân gian thì diễn ra muôn hình vạn trạng mà ai cũng có thể gặp. Đức Phật đã phân tích trạng thái khổ dưới nhiều dạng khác nhau: khổ vì thân xác (đau yếu, bệnh tật, già chết...); khổ vì tinh thần (yêu mà không được yêu, yêu mà phải xa cách, ghét mà phải gần gũi, muốn mà không có được, có mà không giữ được, có mà hóa ra lầm, tưởng thế mà không phải thế...).  Nghèo có thể khổ vì đói, vì rét. Giàu có thì có khi lại khổ vì cảm giác cô đơn, bất an trong chính gia đình mình. Mà giàu hay nghèo thì cũng có thể là nạn nhân của những điều phi lý hoặc bất lương.

Với việc nhận thức về khổ đau, Phật không bi quan mà cũng không lạc quan. Đạo Phật chỉ vào sự thật mà bất cứ ai biết nhìn, biết chứng nghiệm với chính kinh nghiệm bản thân, đều thấy. Những người chưa biết đúng sai thế nào, cố tình chỉ trích, vui mừng khi thấy người khác có lỗi lầm để mà tạo hình ảnh xấu để hạ nhục trên diện rộng là đang có những biểu hiện của trạng thái tâm sân hận quá mức. Hẳn người ta thường sẽ thật nhẹ lòng và vững tâm khi xác tín được rằng, sự kiện gây phiền não mặc dù rất đáng để quên nhưng cũng là cơ hội để mà rèn luyện nội tâm. Bởi nếu lúc nào cũng có cảm giác được quý mến, mọi việc thuận buồm xuôi gió, thì biết đâu đến lúc nào đó, mình có thể đánh mất chính mình. Hiểu được ý nghĩa của nhẫn lực giúp mình bớt than vãn về những khó khăn, “bước chậm nhịp” lại để nhìn nhận lại, để có những thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Điều này cũng giúp chúng ta “nghe” được niềm vui, nghe được “tiếng vỗ tay” từ bên trong hơn là những niềm vui từ bên ngoài.

Từ vấn đề đau buồn cá nhân cho tới những vấn đề xã hội đều cần được nhìn nhận như những sự kiện với những điều kiện mà nó diễn ra. Việc nhận diện sự kiện không quá chú tâm phán xét đúng, sai để đi tới thưởng, phạt mà cố gắng nhìn thấy được những mối quan hệ tàng ẩn, những điều kiện xã hội tạo nên sự kiện đó để tìm kiếm các giải pháp kiểm soát, hạn chế hệ lụy. Mà cao hơn nữa là thấy được sự lạc quan và những điều tốt đẹp trong những thử thách. Và để thấy màu của cuộc sống: màu trong mắt ta.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.