Nghĩa tình với voi
Gần ba năm qua, ông là Ryan Jonathan Hockley (quốc tịch Anh, 54 tuổi) cố vấn phúc lợi về voi thuộc Tổ chức Động vật châu Á miệt mài truyền đạt những kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng voi thân thiện cho các tổ chức bảo tồn voi, sở hữu voi tại Đắk Lắk nhằm “giải phóng” cho voi, đưa voi trở về rừng sinh sống, từ đó nâng cao phúc lợi cho voi nhà.
Đưa voi về rừng
Một ngày cuối năm, khi cái gió mùa khô rào rạt thổi trên những cánh rừng khộp của Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, chúng tôi được nhân viên của Vườn và Ryan dẫn đi xem những con voi nhà đang được Tổ chức Động vật châu Á hỗ trợ đưa vào chăm sóc dưới tán rừng.
Nhìn cách ông Ryan lội bộ băng băng qua những cánh rừng đến vị trí chăn thả voi, tôi chắc rằng ông đã rất thân thuộc với nơi này. Sau khoảng 15 phút đi bộ, chúng tôi đến nơi 2 con voi cái được chăn thả. Tại đây có 2 nài voi, 1 hướng dẫn viên du lịch cùng 2 du khách đang đứng từ xa chăm chú quan sát voi kiếm ăn. Hướng dẫn viên tận tình giới thiệu về voi, cuộc sống của chúng trong môi trường tự nhiên...
Ông Ryan trao đổi với nài voi đang chăm sóc voi trong Vườn Quốc gia Yok Đôn. |
Sau khi hỏi han thông tin, ông Ryan chăm chú quan sát hành vi của 2 con voi. Ông nhận định: “Chúng hôm nay không được thoải mái lắm! Voi cũng có tâm lý như con người, lúc vui, lúc buồn. Khi chúng không thoải mái, dù đã thuần dưỡng cũng có thể có những hành vi mất kiểm soát, gây nguy hiểm cho người nếu đến gần”. Rồi ông quay sang dặn dò các nài voi những lưu ý trong trường hợp này để phòng tránh rủi ro có thể xảy ra.
Với ông, để voi sống hạnh phúc, ngoài cho ăn uống cần phải hiểu, tôn trọng tính cách của chúng. Chính cách làm việc khoa học, cẩn thận của ông đã giúp nhiều chuyên gia, người chăm sóc voi ở đây dần thay đổi cách làm việc, tiếp xúc với voi.
Ông Vũ Đức Giỏi, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ VQG Yok Đôn cho biết, đơn vị đang phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi. Ba con voi thuộc sở hữu của Vườn đang được thả vào rừng, tự do đi lại, kiếm ăn. Được học tập, làm việc với các chuyên gia của tổ chức này, đặc biệt là chuyên gia quốc tế như ông Ryan giúp nhân viên của Vườn nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo tồn voi.
Việc nâng cao phúc lợi cho voi sẽ góp phần nâng cao sức khỏe tuổi thọ cho voi, bảo vệ số lượng voi hiện có là điều quan trọng vào lúc này”. Ông Ryan Jonathan Hockley
|
Ông Ryan sang Việt Nam tháng 4/2021, với công việc chính là hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng, VQG Yok Đôn đưa ra các giải pháp để nâng cao phúc lợi cho voi. Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc với voi, ông chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình cho những người làm công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk với mong muốn giúp tỉnh chấm dứt việc cưỡi voi, đưa voi trở lại với rừng và tham gia mô hình du lịch voi thân thiện.
Thân thiện với voi chính là cho voi trở lại rừng, được tự do đi lại, ăn uống thức ăn ưa thích, chịu tác động ít nhất từ con người. Du khách không còn cưỡi voi, thay vào đó là ngắm voi, tìm hiểu tập tính, thói quen của chúng. Với sự nỗ lực, cố gắng đến nay Tổ chức Động vật châu Á đã hỗ trợ cho 12 con voi thuần dưỡng tại Đắk Lắk không còn phải chở khách du lịch, đưa voi trở lại rừng.
Nâng cao phúc lợi cho voi
Từ khi bắt tay vào công việc, qua tiếp xúc với những tổ chức, người dân sỡ hữu voi, ông Ryan ấn tượng bởi người nuôi voi nơi đây rất yêu quý voi. Họ coi voi như thành viên trong gia đình, được đặt tên, cúng sức khỏe theo nghi thức trang trọng. Người dân đối xử, chăm sóc voi tốt.
Tuy nhiên, theo ông tất cả con vật thuần dưỡng để nuôi thì phúc lợi chúng ta mang lại cho chúng không được hoàn hảo. Như việc sử dụng voi để làm du lịch, đặc biệt là chở khách đã làm ảnh hưởng đến phúc lợi đối với loài vật này.
Ông Ryan (thứ 2 từ trái qua) tại Lễ ký kết bản Ghi nhớ hợp tác Giai đoạn 2 với Tổ chức Động vật Châu Á về thực hiện Dự án chuyển đổi mô hình du lịch có sử dụng voi tại VQG Yok Đôn. (Ảnh: VQG Yok Đôn cung cấp) |
Ông phân tích: Lưng voi sinh ra không phải để chở người, tải nặng trên đó. Chân voi cấu tạo bằng đệm thịt, khi làm du lịch phải đi trên nền bê tông, những chỗ địa hình cứng, chưa kể chúng không có quyền lựa chọn thức ăn yêu thích, mà chỉ được ăn một số thức ăn như mía, chuối... sẽ không tốt cho sức khỏe. Việc không được chọn bạn để chơi, giao lưu, hay bị nhốt chung với con voi không thích cũng ảnh hưởng đến tâm lý... trong khi đó nếu thả về rừng, voi được quyền chọn bạn, nếu thích bạn nào thì ở với bạn voi đó...
Cũng theo ông, việc người dân sử dụng voi làm du lịch nhằm tạo nguồn thu nhập phục vụ nhu cầu cuộc sống là chính đáng. Tổ chức Động vật Châu Á hết sức tôn trọng. Song điều tổ chức này muốn mang đến là thay đổi cách làm du lịch để mang lại phúc lợi tốt hơn cho voi. Với mô hình du lịch thân thiện với voi đang triển khai là vận động người dân đưa voi thả vào vào rừng tự nhiên, để voi được tự do kiếm ăn, đi lại, vui chơi, tìm bạn giúp voi, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho voi.
“Tổ chức Động vật châu Á đã làm việc với các tổ chức và người dân để thỏa thuận ký hợp đồng với gia đình có voi và đưa voi vào rừng sinh sống. Những người chăn voi sẽ được trả lương và tài trợ tất cả chi phí chăm sóc, điều trị cho voi. Đây là cách để hài hòa lợi ích giữa việc bảo tồn voi nhà và tạo nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống cho người nuôi voi”, ông Ryan cho hay.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc