Multimedia Đọc Báo in

Sự học thuở còn chưa no

08:13, 06/02/2024

Gần 50 năm trôi qua sau ngày giải phóng, khó có thể kể hết bao nhiêu thế hệ học trò đã “qua sông”, nhưng trong tâm trí, ký ức của nhiều thầy cô giáo, những tháng ngày cần mẫn mang con chữ đến với học trò giữa muôn vàn khó khăn gian khổ vẫn còn như in.

Đó không chỉ là những kỷ niệm đẹp mà còn là nền tảng vững chắc tạo đà cho sự phát triển nền giáo dục tiên tiến sau này.

Chiến dịch ánh sáng văn hóa

Là một trong số ít những cán bộ được chi viện vào Đắk Lắk trước giải phóng, thầy Hà Ngọc Đào, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhớ lại, sau giải phóng, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 trường học các cấp với khoảng 3 vạn học sinh. Thời điểm đó, bom đạn đã phá hủy không biết bao nhiêu trường lớp, phòng học; học sinh thì chạy loạn tứ tán nên để kêu gọi các em trở lại trường là việc làm hết sức gian khổ. Để xây dựng hệ thống giáo dục, các cán bộ, giáo viên phải huy động mọi nguồn lực để tiếp cận, động viên các em trở lại trường.

Đến khi có trò, vấn đề nan giải của ngành giáo dục lại là thiếu cán bộ quản lý và giáo viên đứng lớp. Trước tình hình đó, cùng với việc thực hiện chính sách tái tuyển giáo viên lưu dung (giáo viên chế độ cũ), địa phương phải xin chi viện giáo viên từ miền Bắc vào. Không chỉ thế, đích thân thầy Đào đã đón xe ra các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... tuyển học sinh lớp 8, lớp 9 (hệ 10 năm) vào Đắk Lắk để đào tạo, tạo nguồn giáo viên. Đồng thời, ưu tiên tuyển dụng các học sinh là người tại chỗ để dành cho việc dạy học sinh dân tộc thiểu số (DTTS)...

Các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục những năm sau giải phóng gặp gỡ, chia sẻ và ôn lại quãng thời gian dạy và học.

Những năm đầu, vì không đủ giáo viên đứng lớp, các thầy cô phải thực hiện việc dạy chéo ban, cứ tranh thủ thời gian dạy liên tục, không phân biệt giáo viên ban xã hội hay ban tự nhiên. Tài liệu giảng dạy lúc đó cũng không có mà được cán bộ, giáo viên sưu tầm từ những tác phẩm thơ, văn rồi soạn thành bài giảng dạy cho học sinh; mọi người cùng nhau soạn bài tập thể để bổ sung cho nhau những thiếu sót.

Cùng với việc dạy và học ở trường lớp, thời điểm đó, ngành giáo dục Đắk Lắk còn ra sức kêu gọi cán bộ, giáo viên, thanh niên và toàn thể nhân dân cũng chung tay trong việc xóa mù chữ; họ vào tận từng buôn làng để dạy học, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ... Cứ thế, đến tháng 11/1977, tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản xóa mù chữ cho người dân. “Đến bây giờ, mỗi khi ngồi lại với nhau, chúng tôi vẫn không hiểu làm thế nào mà anh em cán bộ, giáo viên lúc bấy giờ có thể vượt qua, xây dựng được hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, bắt kịp với chương trình học của học sinh miền Bắc”, thầy Đào không giấu vẻ tự hào nói.

Vừa dạy học vừa làm kinh tế

Nhắc lại sự học thuở còn chưa no, thầy Nguyễn Trúc (nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) bồi hồi: “Thời gian đó, cuộc sống của chúng tôi rất thiếu thốn, chế độ cho giáo viên mỗi tháng chỉ có 13 kg gạo, gạo nhiều khi đã cũ mốc, lại còn độn thêm nhiều bắp, sắn. Giáo viên chúng tôi phải tự làm kinh tế để có điều kiện tiếp tục trụ vững trên bục giảng. Trường Cao đẳng Sư phạm lúc ấy có tổng cộng hơn 220 giáo viên, tất cả đều phải làm thêm nghề tay trái để kiếm sống. Trong đó, người thì đạp xe đạp đi bán cà rem, người chạy xe ôm, người nuôi heo trước hiên nhà... để kiếm thêm thu nhập chăm lo cho gia đình. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh người thầy tảo tần năm đó”.

Thầy Hà Ngọc Đào “khoe” những bức ảnh như chứng tích của sự học những năm tháng gian khổ sau giải phóng.

Giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ, thầy trò ở các trường trên địa bàn tỉnh không chỉ tập trung vào việc dạy và học mà còn phải lao động, sản xuất, làm thêm đủ nghề để trang trải cuộc sống và theo nghề.

Thầy Hà Tiến Dũng (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc Ama Trang Lơng, sau đổi tên thành Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Năm 1977, tôi được chuyển về trường công tác. Đây là trường dành riêng cho con em đồng bào DTTS, gia đình có công với cách mạng và con liệt sĩ học hệ cấp 1, cấp 2 và hệ bổ túc văn hóa cấp 3. Để thầy cô không phải nghỉ dạy, học sinh không bỏ học, toàn bộ thầy cô, học sinh nội trú trong trường đều phải tham gia sản xuất. Thời điểm đó, Trường được đặt trên đồn điền Nhị Khê, có hơn 82 ha đất canh tác, do đó, mỗi ngày, chúng tôi dành một buổi để dạy học; thời gian còn lại sẽ canh tác cà phê tại đồn điền. Những em học cấp 1 sẽ làm những công việc nhẹ nhàng như dọn dẹp vệ sinh, nhổ cỏ; còn những học sinh cấp 2 sẽ cùng chúng tôi đi tưới nước, chăm bón cà phê”.

Bản thân thầy cùng các giáo viên khác còn tìm cách dẫn nước từ suối về khuôn viên trường để dạy các em cách trồng lúa nước. Dù vô cùng cực khổ nhưng điều kiện sống cũng dần được cải thiện, thầy yên tâm gieo chữ, trò chăm lo học hành.

Với thầy Trần Xuân Khóa, trong sự nghiệp dạy học của mình, dù trải qua công tác ở nhiều trường khác nhau, nhưng những năm tháng đó thầy vẫn nhớ rõ từng chi tiết.

Đó là quãng thời gian không chỉ giảng dạy mà sau khi ra khỏi lớp học ông thường xuyên phải đến nhà học trò để làm công tác động viên các em đến trường. Với tình thương, trách nhiệm của mình, thầy đã vận động không biết bao nhiêu học sinh quay trở lại trường, nhất là học sinh DTTS. “Năm 1978, tôi chuyển đến giảng dạy tại Trường Phổ thông cơ sở Ea Kar (huyện Ea Kar).

Lúc ấy, có một cậu học sinh nhiều ngày không tới trường, dù tôi đã đến nhà động viên nhưng vẫn không thuyết phục được em. Để ý thấy em hay đến bờ suối câu cá, tôi cũng quyết định mang cần tới câu cá cùng em. Ngồi tâm sự với em, tôi biết được hoàn cảnh của gia đình em rất khó khăn, em nghỉ học vì muốn dành thời gian kiếm thêm cái ăn cho gia đình. Sau một thời gian dài trò chuyện, tâm sự với cậu học trò nhỏ, em dần có cảm tình và nghe lời tôi quay trở lại trường học”, thầy Khóa bồi hồi nhớ lại.

Minh Anh - Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc