“Vẽ Xuân” lên các loại quả
Điểm tô cho các loại trái cây trên mâm ngũ quả, dịch vụ trang trí trực tiếp trên từng loại trái cây trở thành nghề thịnh hành mỗi đợt Tết đến. Bằng công nghệ, máy móc, các loại quả dưa hấu, dừa, dưa lưới, bưởi… được trang trí thêm phần bắt mắt. Thế nhưng, nhiều người vẫn lựa chọn tự tay khắc chữ thủ công để lưu giữ văn hóa truyền thống.
Từ trung tuần tháng 1 vừa qua, Trung tâm luyện chữ đẹp Lệ Nguyễn (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đã mở lớp dạy khắc chữ thủ công trên trái dừa và dưa hấu cho những người có đam mê vào dịp cuối tuần. Mỗi tuần, lớp học thu hút trên 10 học viên có cùng đam mê, sở thích tham gia.
Điều đặc biệt ở lớp học là hoàn toàn được diễn ra miễn phí và được hai cô giáo trẻ Đinh Thị Thúy Sang và Nguyễn Bích Lệ tại trung tâm hướng dẫn nhiệt tình. Các học viên được học khắc các nét cơ bản của thư pháp lên quả dưa hấu, viết chữ trên quả dừa và trang trí cho chúng thêm sinh động, hấp dẫn bằng các hoa văn. Kết thúc khóa học, học viên sẽ học được những nét cơ bản, có tính ứng dụng cao và sau đó về nhà luyện tập nâng cao, thuần thục.
Các học viên tham gia lớp học tại Trung tâm luyện chữ đẹp Lệ Nguyễn (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột). |
Chia sẻ về ý tưởng mớ lớp dạy học, theo cô Sang, việc trang trí lên các loại quả sẽ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng những lời hay, ý đẹp, lời chúc may mắn trong dịp Xuân tới. Những ngày cận Tết Nguyên đán, loại trái cây tạo hình “không đụng hàng” không chỉ làm phong phú thêm mâm ngũ quả của mỗi gia đình, mà còn có thể làm quà tặng Tết cho bạn bè và người thân. Bởi vậy, nhiều người rất muốn tự tay mình trang trí để bày lên mâm ngũ quả tỏ lòng thành kính, vừa tặng món quà ý nghĩa cho người thân.
Việc khắc chữ thư pháp lên các loại quả đòi hỏi sự tỉ mỉ và đam mê. |
Mặc dù chỉ tham gia lớp học được một buổi, nhưng với sự đam mê và yêu thích của mình, bạn trẻ Đặng Nguyên Phương Thi (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã khắc được những chữ thư pháp đơn giản, như: Xuân, Phúc, Lộc, Thọ, An Khang, Thịnh Vượng, Bình An, Tài Lộc… Tại đây, Thi còn được các cô giáo hướng dẫn viết thư pháp lên giấy và quả dừa. Thi phấn khởi chia sẻ: “Về nhà, em sẽ tự “trang điểm” thêm cành đào, cành mai rực rỡ trên các loại quả để biếu tặng người thân, bạn bè, cầu mong Tết vui vẻ, đầm ấm, an lành đến với mọi người”.
Với lợi thế sẵn có từ dạy luyện chữ và viết thư pháp nên việc trang trí cho hoa quả ngày tết của hai cô giáo rất dễ dàng và có tính thẩm mỹ cao hơn những người thợ không chuyên. Bởi vậy, ngoài tổ chức lớp học để lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống khắc, viết thư pháp, hai cô giáo còn làm theo yêu cầu khách hàng để bán trên thị trường.
Tuy nhiên, theo cô Sang, việc “trang điểm” cho các loại quả đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết, cô xem như một tác phẩm nghệ thuật, là “đứa con” tinh thần của sự đam mê và mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống nên chỉ nhận đơn đặt hàng từ 20 - 30 quả để trau chuốt cho nó.
Các sản phẩm hoàn thiện của học viên sau khi kết thúc khóa học. |
Thông thường để hoàn thành xong một sản phẩm chỉ từ 15 - 20 phút, tuy nhiên đối với các loại quả sẽ được hai cô giáo trang trí tỉ mỉ nên mất khoảng 30 – 60 phút. Cô sẽ lựa chọn những loại quả to, tròn, da đẹp, cứng để khắc được nhiều kiểu sáng tạo và bắt mắt khác nhau.
Đối với quả dừa, sẽ được cô phun một lớp sơn màu làm nền để viết chữ và trang trí họa tiết đầu rồng phù hợp với năm mới Giáp Thìn 2024. Sau đó, phủ thêm một lớp nhũ óng ánh để nét vẽ thêm phần sinh động. Sản phẩm khi hoàn thành sẽ được phun lên một lớp sơn bóng để giữ được độ bền.
Còn với dưa hấu sau khi khắc chữa thư pháp sẽ được "trang điểm" thêm các cành mai, đào mang màu sắc mùa Xuân. Các sản phẩm đều được sử dụng màu nước và acrylic nên an toàn, có thể ăn và chưng được lâu. Bởi vậy, mỗi sản phẩm của cô bán ra sẽ có giá nhỉnh hơn so với thị trường, có giá từ 130 - 150 nghìn đồng/quả.
Những quả dừa thư pháp được hai cô giáo trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ theo yêu cầu khách hàng. |
Cô Sang bày tỏ: “Ngày nay, nhiều người tiếp xúc với nhiều thứ hiện đại như máy tính, máy in, quên đi mình phải rèn chữ, quên đi dân tộc mình đang có một nghệ thuật là thư pháp đang dần bị mai một. Bởi vậy, tôi lựa chọn dạy và khắc chữ thư pháp lên các loại quả để bán không chỉ mang giá trị kinh tế cho gia đình mà chủ yếu xuất phát từ niềm đam mê và mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống ông Đồ ngày Tết từ xa xưa cho thế hệ trẻ”.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc