Multimedia Đọc Báo in

Buôn làng ngày mới

07:32, 09/03/2024

Sau gần 50 năm giải phóng, bộ mặt kinh tế - xã hội ở các xã, phường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã và đang bừng lên một sức sống mới; đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng ngày càng khởi sắc, phát triển không ngừng, góp phần hòa nhịp cùng sự phát triển chung của cả tỉnh.

Đoàn kết xây dựng cuộc sống mới

Miệt mài bên khung dệt thổ cẩm, bà H Lac Kbuôr ở buôn Kmrơng Prông A (xã Ea Tu) kể rằng, sau ngày giải phóng Buôn Ma Thuột, đồng bào Êđê ở buôn Kmrơng Prông A cũng như nhiều buôn khác trên địa bàn còn khổ lắm. Thời đó, dù đất đai bạt ngàn nhưng do không có kiến thức, kinh nghiệm và cả nguồn vốn nên không ai biết làm ăn phát triển kinh tế, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, cái đói luôn thường trực.

Về sau, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về cây, con giống, cán bộ xuống tận nơi cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật... người dân đã biết cách trồng cây cà phê cho năng suất cao hơn, biết trồng xen canh cây tiêu, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi, kinh doanh…

Gia đình bà H Lac trước đây cuộc sống khó khăn, chạy ăn từng bữa, nhưng nhờ chịu khó làm lụng, học hỏi, áp dụng kiến thức khoa học vào sản xuất, kinh tế gia đình dần ổn định, làm được nhà cửa khang trang, con cái được ăn học đầy đủ, thành đạt trong cuộc sống. Không chỉ gia đình bà H Lac mà các hộ trong buôn đều có sự khởi sắc trong cuộc sống, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, toàn buôn chỉ còn 2 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo.

Những sản phẩm lưu niệm do chính tay người dân buôn Akô Dhông dệt và bày bán.

Hơn 65 năm sinh sống ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), Amí Min đã chứng kiến bao sự “thay da đổi thịt” của  buôn làng. Từ rất lâu, bà con trong buôn đã chỉ nhau cách trồng cà phê và các loại cây như điều, bơ, tiêu; đồng thời, chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống.

Với sự cần cù, chịu khó, dù có những thời điểm kinh tế khó khăn nhưng người dân Akô Dhông vẫn đoàn kết, sẻ chia cho nhau từng bầu nước, củ khoai, hạt bắp... để cùng vươn lên. Bây giờ, người người, nhà nhà đã có cuộc sống ấm no, ai cũng lo làm ăn, phát triển kinh tế.  64 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn buôn đều có kinh tế ổn định, không còn hộ nghèo.

Giữ gìn nếp buôn làng

Những ngày đầu tháng ba, giữa cái nắng gắt của mùa khô Tây Nguyên, buôn Akô Dhông vẫn giữ không khí trong lành, mát mẻ và yên bình, như tách khỏi sự ồn ào, nhộn nhịp của phố thị. Akô Dhông được mệnh danh là buôn giàu đẹp nhất tỉnh. Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, bà con buôn làng vẫn lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người Êđê, từ những ngôi nhà dài "như tiếng chiêng ngân" dưới tán cổ thụ xanh mát, tiếng chiêng rộn rã chào đón du khách ghé thăm, tiếng lách cách và đôi bàn tay thoăn thoắt của các bà, các mẹ dệt vải bên khung cửi; đến ẩm thực độc đáo và hương ước, quy ước lưu giữ qua bao đời…

Du khách tham quan nhà dài ở buôn Akô Dhông.

Ama Denny, trưởng buôn Akô Dhông phấn khởi nói: “Với những tiềm năng, thế mạnh đó, tháng 3/2023, Akô Dhông được công bố là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Cũng từ đây, người dân trong buôn đã phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bằng nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ và mở dịch vụ giải trí văn hóa, văn nghệ truyền thống, phục vụ du khách trong nước và quốc tế”.

Hiện các buôn trên địa bàn được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống mọi mặt của người dân được cải thiện. Chung tay gìn giữ nếp buôn làng, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được chú trọng. Buôn làng vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm, vẫn ngân vang tiếng cồng chiêng, rộn ràng điệu Ayray, nhịp xoang mỗi dịp lễ hội, nhiều buôn đã thành lập các đội chiêng và thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.