Multimedia Đọc Báo in

Những “thủ lĩnh” Đoàn thắp lửa phong trào

07:34, 19/03/2024

Với tinh thần nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, anh Y Wal Mlô (Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar) và chị Nguyễn Thanh Thủy (Phó Trưởng Ban Thanh niên Công an tỉnh) là hai “thủ lĩnh” Đoàn của tỉnh Đắk Lắk vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2024. Đây đều là những nhân tố nổi bật của tuổi trẻ Đắk Lắk với nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác Đoàn tại địa phương.

Cống hiến vì cộng đồng

Gần 10 năm gắn bó với công tác Đoàn tại Công an tỉnh, dù ở vị trí nào, Đại úy Nguyễn Thanh Thủy cũng luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm của người "thủ lĩnh" thanh niên, luôn có những đề xuất, sáng kiến hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong đơn vị.

Là Phó Trưởng Ban Thanh niên Công an tỉnh, Đại úy Thanh Thủy đã thực hiện tốt công tác tham mưu triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án “Tuổi trẻ Công an nhân dân hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tới trường” giai đoạn 2018 – 2022 và Đề án “Tuổi trẻ Công an nhân dân hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tới trường” giai đoạn 2023 - 2028.

Đến nay, đơn vị đã xây dựng và bàn giao 12 ngôi nhà 19/8, đạt 300% so với chỉ tiêu đăng ký; 3 lớp học 19/8, 1 phòng đọc sách 19/8 với tổng trị giá 1,567 tỷ đồng tại một số huyện trên địa bàn tỉnh.

Đại úy Nguyễn Thanh Thủy tặng quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bên cạnh đó, bám sát việc triển khai thực hiện Đề án “Cùng em đến trường” do Đoàn Thanh niên Bộ Công an phát động, chị đã cùng tập thể Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Công an tỉnh chỉ đạo, phân công các tổ chức cơ sở Đoàn tiến hành rà soát, nhận hỗ trợ, đỡ đầu cho 31 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách đến trường với mức hỗ trợ trung bình 300.000 đồng/tháng. Trong đó có 7 em là con cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, 28 em là học sinh nghèo hiếu học hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng số kinh phí đã hỗ trợ cho các em là trên 350 triệu đồng.

Tính riêng trong năm 2023, chị Thủy đã tham mưu, phối hợp triển khai tổ chức 82 đợt hoạt động hướng về cơ sở với hơn 1.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia, qua đó trao tặng trên 14.700 suất quà cho gia đình có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức 5 đợt khám và cấp phát thuốc miễn phí, 39 đợt tuyên truyền pháp luật cho người dân tại các địa phương; tổ chức nấu và phát hơn 2.000 suất cháo từ thiện cho các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên… với tổng giá trị các hoạt động hơn 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, giữ vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Giọt Hồng” của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, bản thân chị Thủy không chỉ tình nguyện hiến máu trong nhiều đợt cao điểm mà còn thường xuyên theo dõi, vận động đoàn viên thanh niên tham gia các chương trình như “Hành trình đỏ”, “Chủ nhật đỏ”, “Giọt Hồng Tây Nguyên”, “Giọt máu hồng hè”; đồng thời huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ đăng ký tham gia Ngân hàng máu sống, sẵn sàng hiến máu cứu người trong các trường hợp khẩn cấp. Việc làm kịp thời và ý nghĩa này đã giúp mang lại nguồn máu cứu sống hàng chục bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp, qua đó đã phát huy được tính xung kích, tình nguyện, nhân văn, sẵn lòng “Vì nhân dân phục vụ” của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

Giữ vai trò là Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar từ năm 2019, anh Y Wal Mlô đã cùng Ban Thường vụ Huyện Đoàn cụ thể hóa các nội dung hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức các hoạt động đảm bảo hiệu quả, thiết thực với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Với suy nghĩ “Đoàn - Hội trước tiên phải phát huy vai trò chăm lo cho thanh niên phát triển kinh tế ổn định thì thanh niên mới có nền tảng để sẵn sàng gắn bó, cống hiến cho các phong trào”, khi bắt đầu đảm nhận vai trò “đầu tàu” trong công tác Đoàn tại địa phương, anh Y Wal đã xác định phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp là một trong những nội dung quan trọng cần được thực hiện.

“Hiện nay, số lượng thanh niên nông thôn làm ăn xa quê ngày càng gia tăng. Làm sao thu hút lực lượng này ở lại quê hương phát triển kinh tế, tham gia hoạt động Đoàn, Hội để xây dựng nông thôn mới vẫn đang là một bài toán khó. Mong muốn của tôi là phải làm sao định hướng, khuyến khích để mỗi bạn trẻ đều lựa chọn được cho mình mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình. Từ đó tạo điểm tựa vững chắc để các bạn gắn bó, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương” - anh Y Wal chia sẻ.

Anh Y Wal Mlô tặng quà cho gia đình chính sách trên địa bàn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trên cơ sở đó, anh Y Wal đã cùng Ban Thường vụ Huyện Đoàn Cư M’gar chỉ đạo thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của 4 tổ hợp tác (THT) thanh niên trên địa bàn huyện. Hiện nay các THT đã từng bước phát triển, dần khẳng định được hình ảnh, thương hiệu của mình trong sản xuất, kinh doanh.

Tham gia vào THT, thông qua việc liên kết sản xuất, các bạn trẻ có cơ hội để cùng trao đổi, giao lưu, học hỏi nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh. Nhiều mô hình của thành viên tổ hợp tác cũng trở thành địa chỉ tham quan, học tập quen thuộc của thanh niên và người dân trong và ngoài tỉnh. Từ đó tạo hiệu ứng tốt, sức lan tỏa và là động lực thúc đẩy người trẻ tại địa phương mạnh dạn đổi mới, đầu tư phát triển kinh tế.

Bên cạnh việc hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, anh Y Wal đã chỉ đạo các đơn vị khảo sát nhu cầu của đoàn viên thanh niên để sử dụng hiệu quả Quỹ khởi nghiệp của đơn vị. Với tổng nguồn vốn hiện có là hơn 485 triệu đồng, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã giải ngân cho 40 hộ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế.

Ban Thường vụ Huyện Đoàn cũng chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn đẩy mạnh triển khai các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên, trong đó tập trung tuyên truyền về hoạt động khởi nghiệp thanh niên nông thôn; hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh từ nguồn vay Quỹ quốc gia về việc làm, qua đó giúp thanh niên khởi nghiệp, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.