Multimedia Đọc Báo in

Tháng ba có hẹn với “thủ phủ” cà phê

09:12, 28/03/2024

Trong hành trình khám phá Tây Nguyên, Đắk Lắk là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Với lợi thế nằm ở trung tâm vùng, có nhiều tài nguyên thiên nhiên, cảnh sắc phong phú… vùng đất Đắk Lắk huyền thoại không chỉ níu chân du khách bởi vẻ đẹp của đại ngàn xanh thẳm, mà còn bởi sắc màu văn hóa, hương vị cà phê độc đáo.

Khí hậu mát mẻ quanh năm nhưng tháng ba được xem là tháng đẹp nhất trong năm để du lịch ở Đắk Lắk. Khi ấy, khắp các sườn đồi đã khoác lên mình sắc màu tinh khôi của hoa cà phê nở trắng muốt. Không chỉ đẹp, hoa cà phê còn có mùi thơm dịu nhẹ, thanh khiết, tạo nên cảm giác thư thái, dễ chịu. Tháng ba cũng là thời gian diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc chào mừng kỷ niệm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975).

Cùng vẻ đẹp yên bình, thơ mộng và những hoạt động trải nghiệm đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, nhiều du khách đã đến Đắk Lắk dịp này để được thưởng thức hương vị cà phê Buôn Ma Thuột, dạo bước trong vườn cà phê xanh mát. Từ đó, có được những hiểu biết sâu hơn về cà phê và nhất là “cảm” được cà phê từ lúc còn e ấp trong sắc trắng tinh khôi đến hạt cà phê chín đỏ và cách thức chế biến tỉ mỉ, công phu để thành thức uống thơm ngon, trứ danh.

Hương sắc hoa cà phê là nét đẹp đặc trưng ở vùng đất đỏ bazan. Ảnh: T.Hùng

Chị Nguyễn Thị Hồng (TP. Hồ Chí Minh) lần đầu tiên đến Đắk Lắk du lịch trong dịp tháng ba năm nay cho biết, chị đã có nhiều trải nghiệm thú vị tại đây khi được tận mắt nhìn người nông dân tỉa cành, tưới nước cà phê và nhất là được tham gia vào các quy trình rang, xay cà phê bột. Từ đó giúp chị hiểu hơn về một sản phẩm mà chị đã từng sử dụng hằng ngày từ trước đó rất lâu. “Thật thiếu sót nếu ai đã từng một lần đặt chân đến vùng đất này mà bỏ qua việc thưởng thức một ly cà phê Buôn Ma Thuột chính hiệu. Không còn gì tuyệt hơn khi được nhâm nhi ly cà phê ngay trên xứ sở cà phê”, chị Hồng hào hứng nói.

Cùng cảm nhận trên, anh Nguyễn Văn Tuân (TP. Hà Nội) chia sẻ: “Không phải chỉ ở Buôn Ma Thuột mới có cà phê, nhưng khi thưởng thức cà phê ở đây, tôi chẳng thể nào quên được hương vị thơm ngon, quyến rũ ấy. Có lẽ đất đỏ bazan, độ cao phù hợp, hòa cùng nắng gió Tây Nguyên hùng vĩ đã tạo ra nét đặc trưng riêng của cà phê Buôn Mê”.

TP. Buôn Ma Thuột được xem là “thủ phủ của cà phê”, nên không có gì lạ khi nơi đây có mật độ quán cà phê nhiều nhất cả nước. Quán cà phê có mặt ở khắp các con phố. Bước ra đường là có ngay quán cà phê, không kể đường lớn hay trong con hẻm nhỏ, quanh co… Ở thành phố này, việc uống cà phê trở thành một nét văn hóa quen thuộc không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Tuy không thiếu những loại thức uống hấp dẫn khác, thế nhưng cà phê luôn là sự lựa chọn hàng đầu của mọi người khi đến bất cứ quán cà phê nào ở Buôn Ma Thuột. Với người dân phố núi, việc uống cà phê đã trở thành thói quen. Và mỗi khi có người thân, bạn bè từ phương xa đến họ đều hào phóng mời nhau một ly cà phê. Chỉ với ly cà phê, đĩa hạt dưa là đã có thể tạo nên những cuộc hội ngộ.

Trình diễn văn hóa cà phê Êđê tại Bảo tàng Thế giới cà phê.

Mỗi quán cà phê ở đây có cách bài trí, phong cách phục vụ khác nhau. Từ những quán cà phê được đầu tư xây dựng hoành tráng, diện tích lớn, đến những quán cà phê quy mô vừa và nhỏ, hoặc chỉ đơn giản là những quán cà phê “cóc”, bình dân. Mỗi nơi đều có nét hấp dẫn riêng, thu hút người bản xứ và du khách.

Người Buôn Ma Thuột cũng có phong cách uống cà phê rất riêng, họ không coi cà phê là thức uống nhanh, giải khát mà thường nhâm nhi, thưởng thức cà phê. Ly cà phê “chuẩn” Buôn Ma Thuột chỉ nhỏ và ít, nhưng rất chất lượng. Mỗi người có một “gu” thưởng thức khác nhau, người thích hương vị đậm đà, thơm ngon của cà phê pha máy, có người thích chờ những giọt cà phê chậm rãi rơi khi pha phin. Nếu cà phê pha máy chiết xuất được tối đa các tinh chất có trong hạt cà phê thì cà phê pha phin lại giữ được hương vị đặc trưng lâu hơn. 

Giữa lòng thành phố nhỏ yên bình còn gì bằng khi cầm trên tay ly cà phê ấm nóng, vừa nhâm nhi từng ngụm nhỏ vừa đọc báo, nghe nhạc, hàn huyên tâm sự bao câu chuyện thường nhật cùng bạn bè. Hay, chỉ đơn giản là lặng yên lắng nghe từng hơi thở của thành phố sau bao hối hả, tất bật của cuộc sống.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.