Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn nghề hái dừa

08:31, 02/04/2024

Những ngày nắng nóng, nhu cầu giải khát của người dân tăng mạnh, đây cũng là thời điểm những người thu mua dừa đi khắp nơi để tìm nguồn cung cấp bán cho các chợ, các quán nước kiếm lời.

Những ngày này, anh Lê Phước Thọ (ở tổ dân phố 1, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) lại điều khiển xe ba bánh đi khắp thôn vườn trong huyện để thu mua dừa.

Anh Thọ cho biết, dừa ở đây không nhiều, do vậy tìm được nơi có dừa đã khó, leo lên được ngọn cây hái dừa xuống còn vất vả hơn. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, để có thêm thu nhập, anh phải chạy khắp các nơi bất kể xa gần.

Anh Lê Phước Thọ leo hái dừa.

Nghề hái dừa đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai, không sợ độ cao. Theo anh Thọ, công việc chủ yếu bán sức lao động nên chỉ cần siêng năng, mỗi ngày tùy vào tay nghề mỗi người có thể trèo hái từ 15 - 20 cây dừa. Dừa tươi tại vườn mua giá 5.000 đồng/trái, hái về bỏ mối tại các quán nước với giá 10.000 đồng/trái, dừa khô mua giá 7.500 đồng/trái, về bán 10.000 – 12.000 đồng/trái. “Tính trung bình mỗi ngày kiếm khoảng 200 nghìn đồng. Thông thường mình có địa bàn quen, cứ mỗi năm thu hái hai lần, hết vườn nhà này tới vườn nhà kia, nghề này đánh đổi sức lao động, lấy công làm lãi”, anh Thọ nói.

 Ban đầu, anh Thọ chỉ leo những cây dừa thấp, dần dần thuần thục rồi leo cây cao hơn; bây giờ, anh leo lên những ngọn dừa cao tới 12 – 15 m là chuyện bình thường. Anh Thọ chia sẻ, hái dừa nhanh và hiệu quả nhất là phải có hai người. Một người hái ở trên dùng dây dù thả từ từ, người còn lại ở dưới đất đỡ dừa xuống. Nếu chỉ có một người thì buộc phải cho dừa rơi từ trên cao xuống, tuy nhiên cách này khiến dừa dễ bị bể nứt, nước dừa xóc mạnh, dễ bị chua.

Làm nghề leo dừa phải đối mặt với nhiều nguy hiểm; ngoài chuyện dễ té ngã thì có thể bị ong, kiến cắn, đôi khi còn gặp rắn lục xanh trên thân cây… Mùa cao điểm của nghề hái dừa là những tháng mùa khô và khó khăn nhất là vào mùa mưa vì lúc này thân cây ẩm ướt, rất trơn làm khó leo. Ngoài ra, một mình trên đọt dừa cao, khi có gió lớn, sấm chớp sẽ rất nguy hiểm.

Đoàn Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.