Nét chữ và chính tả
Mới đây tôi có việc phải đi làm chứng nhận đơn từ và thấy công tác cải cách hành chính đã có bước chuyển biến đáng kể, phục vụ chu đáo, tận tình các yêu cầu chính đáng của người dân.
Tôi chỉ đợi vài phút là được nhận lại lá đơn, song tôi khá phiền lòng khi nhìn những dòng chữ bút phê nghệch ngoạc, lại dày đặc lỗi chính tả. Tôi đưa đơn cho một anh bạn “dịch thử” những dòng chữ này thì anh cũng… chịu thua.
Câu chuyện nhỏ này cho thấy nét chữ cũng như chính tả có vai trò rất quan trọng đối với ngôn ngữ Việt. Tôi nhớ, trước đây, những người viết chữ đẹp, chuẩn về chính tả thường được bố trí hoặc trưng dụng để viết các loại văn bằng, giấy chứng nhận... do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp, nhưng đến thời kỳ máy vi tính ra đời và được sử dụng ngày càng phổ biến thì nhiều người cho rằng nét chữ không còn cần thiết nữa. Điều này không sai, song cũng… chưa đúng, bởi ngay trong thời điểm hiện nay, có không ít tài liệu, giấy tờ... bắt buộc phải viết bằng tay chứ không thể sử dụng máy tính. Có lẽ không ít người đã từng nhìn thấy nhiều loại sổ sách cấp cho người dân, mẫu mã được in ấn công phu, màu sắc, hoa văn rất đẹp đẽ mà trong các trang ấy lại hằn lên những dòng chữ ngoằn ngoèo, xấu xí, căng mắt ra đọc cũng không thể đọc nổi.
Thời xưa, học vấn của một con người được đánh giá ở văn, song theo họ, văn lại chìm ẩn bên trong nên dù có hay đến mấy vẫn phải thể hiện bằng chữ viết thì người khác mới thẩm định được, vì vậy “văn hay” phải đi đôi với “chữ tốt”. Xuyên suốt chiều dài lịch sử và bất cứ trong hoàn cảnh nào, mọi cái đẹp được sản sinh từ cuộc sống không bao giờ lỗi thời, chữ viết cũng vậy.
Chính tả tiếng Việt là sự chuẩn hóa hình thức của ngôn ngữ Việt. Đây là một hệ thống quy tắc về cách viết các âm vị, âm tiết, từ, cách dùng các ký tự, dấu câu thể hiện, lối viết hoa, thống nhất một cách viết để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Theo khoa học, chữ viết của một người sẽ không trùng lặp với bất cứ ai, đây là cái riêng cực kỳ lý thú của tạo hóa, song chữ đẹp không phải dành cho những người chỉ có năng khiếu hoặc có “hoa tay”. Nó sẽ được ban tặng cho bất cứ ai thật sự yêu thích nét chữ đẹp truyền thống, chịu khó khổ luyện mới nhẹ nhàng thả được niềm đam mê và tâm hồn của mình vào từng nét chữ. Ai có chữ xấu nếu biết cẩn thận và chịu khó tập luyện trong cách viết, chắc chắn sẽ có những dòng chữ đẹp.
Bây giờ, thỉnh thoảng trên các mục thông tin tuyển dụng nhân sự cũng có những trường hợp yêu cầu đơn xin việc phải viết tay. Điều này cho thấy nét chữ vẫn được nâng niu, trân trọng và điều chắc chắn thông qua lá đơn xin việc, một phần nào đó họ sẽ đoán biết được nết người…
Thái Mỹ
Ý kiến bạn đọc