Đi, viết và giải thưởng lớn nhất của nghề báo…
Những giải thưởng là một dấu mốc đẹp trong đời làm nghề báo. Song hiệu quả mà những tác phẩm báo chí mang lại sau đó cho người dân, cho cộng đồng mới chính là giải thưởng lớn nhất dành cho những nhà báo!
Từ bài báo đến công trình…
Nhắc địa danh Sam Lang, một bản nhỏ thuộc xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) có thể không ai nhớ, nhưng câu chuyện về các cô giáo và học sinh ở đây vượt suối bằng cách chui vào túi nylon thì rất nhiều người còn nhớ, dù câu chuyện đã xảy ra cách đây cả chục năm. Cũng như thế, không mấy ai nhớ rằng tuyến bài kể câu chuyện ấy đã đoạt giải A Giải Báo chí quốc gia năm 2014, nhưng với những nhà báo thực hiện tuyến bài đó, lớn hơn giải thưởng kia là những bài học nghề nghiệp theo mình đi đến suốt đời.
Từ những bài báo ấy mà người dân Sam Lang có được cây cầu treo bằng thép vững chắc; từ câu chuyện đời dân ấy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đầu tư một tuyến đường hàng chục tỷ đồng nối dọc vùng biên khu vực Sam Lang.
Ngôi trường Sam Lang ngày xưa có quy mô vài chục học sinh thì nay số lượng học sinh đã tăng lên gấp vài lần, lý do là từ khi có cầu, có đường, con đường đến Sam Lang đi học thuận lợi hơn, vì thế học sinh không còn bỏ học, còn học sinh ở các điểm khó dồn hết về Sam Lang để học. Với chúng tôi, những nhà báo đã lặn lội và cảm nhận được khó khăn của vùng đất này thì câu chuyện gia tăng học sinh ở Sam Lang mới chính là phần thưởng lớn nhất của đời làm báo, lớn hơn bất cứ giải thưởng hay sự vinh danh nào!
Nhà giàn DK1 được thắp sáng từ đóng góp của bạn đọc. |
May mắn cho tôi là từ những bài báo, hiệu ứng xã hội đã lan tỏa thành những phong trào có ý nghĩa sâu rộng trong bạn đọc. Năm 2003, từ loạt bài về những thí sinh thi đậu đại học với số điểm rất cao nhưng không thể đặt chân đến giảng đường vì gia cảnh quá khó khăn đã trở thành học bổng “Tiếp sức đến trường” được duy trì kéo dài đến nay với cả vạn sinh viên được tiếp sức, hàng trăm tỷ đồng học bổng được trao…
Hay năm 2009, sau khi loạt bài “Hai mươi năm giữ thềm lục địa” viết về các chiến sĩ hải quân giữ các nhà giàn DK1 ở thềm lục địa phía Nam được đăng tải, phong trào “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1” được lan tỏa, bạn đọc góp tiền lắp đặt hệ thống pin mặt trời để chiếu sáng và truyền năng lượng cho các nhà giàn. Đó cũng là câu chuyện khởi đầu để các chương trình hướng về biển đảo diễn ra liên tục những năm tiếp theo như “Góp đá xây Trường Sa”, “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”… Tuyến bài về DK1 này cũng nhận được giải Nhất Giải Báo chí TP. Hồ Chí Minh và giải Nhì Giải Báo chí quốc gia năm 2009.
Những giải thưởng báo chí và hiệu quả công trình được mở ra sau đó là điều rất đáng mừng, nhưng có khi với người làm báo, giá trị ý nghĩa nhất của đời nghề chính là những công trình chưa hề được vinh danh bằng giải thưởng song lại mang lại những xúc cảm lớn lao như một món nợ đời nghề mà mình đã trả.
Ấm lòng dân, ấm lòng người viết báo
Bài báo “Tổng Chúp - đền tưởng niệm và tiếng cười trẻ thơ” là câu chuyện về việc xây dựng ngôi đền tưởng niệm cho bà con Cao Bằng bị thảm sát trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.
Câu chuyện về vụ thảm sát Tổng Chúp có thể tóm tắt như sau: Ngày 9/3/1979 trước khi rút quân, quân đội Trung Quốc đã thảm sát 43 người gồm công nhân và gia đình của họ ở trại lợn Đức Chính rồi ném xác xuống cái giếng ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, nay thuộc TP. Cao Bằng. Để tưởng niệm bà con bị sát hại, ngay sau chiến tranh 1979, người dân khắc một tấm bia dựng ở bờ tre nơi có cái giếng đã ném xác xuống. Tuy nhiên, sau gần nửa thế kỷ, cột dựng bia bị gãy, tấm bia có nguy cơ bị rơi xuống và do ở cạnh bờ suối, chỉ một mùa lũ là địa chỉ này sẽ bị mất dấu. Những dịp kỷ niệm ngày 17/2/1979, báo chí vẫn nhắc đến câu chuyện bi thương này, nhiều người muốn dựng một miếu thờ nho nhỏ hương khói cho bà con nhưng rất khó khăn vì những lý do trong quan hệ ngoại giao. Đã có nhiều nhà hảo tâm sau khi biết về câu chuyện này đã tha thiết muốn xây miếu thờ nhưng vấn đề không ở kinh phí mà là thủ tục được phép xây dựng.
Đền tưởng niệm Tổng Chúp vừa được khánh thành dịp kỷ niệm 45 năm chiến tranh biên giới (tháng 2/2024). |
Bản thân tôi may mắn hơn các đồng nghiệp theo đuổi đề tài Tổng Chúp là đã chọn đúng người để gửi gắm và đề xuất. Trong dịp nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra Quảng Trị công tác đầu năm 2023, khi được ông hỏi về một số vấn đề biên giới, tôi đã mạnh dạn đề xuất và thuyết phục nên xây một ngôi đền tưởng niệm ở Tổng Chúp. Sau khi được sự đồng ý bước đầu của nguyên Chủ tịch nước, tôi đã chuẩn bị rất kỹ nguồn tư liệu, tài liệu về Tổng Chúp gồm các đoạn phim tư liệu của phóng viên nước ngoài quay cảnh khi phát hiện vụ thảm sát, cuộc họp báo ở Liên hiệp quốc… cùng nhiều bài báo về Tổng Chúp để cung cấp cho ông Trương Tấn Sang. Sau những bàn bạc cùng với Trung ương và họp với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, việc xây đền thờ được tiến hành bằng chuyến khảo sát do ông Trương Tấn Sang dẫn đầu vào tháng 6/2023, sau đó là vận động tài trợ, xây dựng đồ án thiết kế, thi công và tiến hành khởi công vào ngày 22/9/2023. Trong quá trình thực hiện công trình Tổng Chúp này, cá nhân tôi là phóng viên duy nhất được tháp tùng nhóm thực hiện và lưu giữ tài liệu, cam kết không hề đưa tin khảo sát hay khởi công cũng như tiến độ. Toàn bộ câu chuyện chỉ được biết đến khi công trình khánh thành vào tháng 2/2024, đúng dịp kỷ niệm 45 năm chiến tranh biên giới phía Bắc, chỉ sau 4 tháng xây dựng với kinh phí 13 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa!
Từ câu chuyện xây đền thờ Tổng Chúp, tôi chỉ muốn nói rằng câu chuyện làm nghề, nếu hết lòng đeo bám, tận tụy với tâm nguyện biến đề tài thành công trình thì cơ hội hoàn thành ước nguyện sẽ có ngày đạt tới.
Giải báo chí là một vinh dự, nhưng có khi không nhất thiết phải thực hiện tác phẩm để đạt giải mà chính là được góp một phần nhỏ công sức nghề nghiệp cho một công trình thiết tha tâm nguyện. Và việc có được đền tưởng niệm Tổng Chúp tưởng nhớ những người dân bị thảm sát năm 1979 cũng chính là một “giải thưởng” rất lớn trong cuộc đời làm báo của tôi!
Lê Đức Dục
Ý kiến bạn đọc