Multimedia Đọc Báo in

"Luồng gió mới" cho giáo dục đại trà

08:13, 12/06/2024

Sau 10 năm, tỉnh Đắk Lắk đã thay đổi hình thức tuyển sinh bằng thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập. Sự đổi mới luôn đi kèm với các tác động đa chiều, nhất là giữa bối cảnh cần phải giảm áp lực học tập cho học sinh.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Chủ tịch Hội đồng thi Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 ĐỖ TƯỜNG HIỆP.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Tường Hiệp.

* Thưa ông, sự thay đổi trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay sẽ tác động như thế nào đến hoạt động giáo dục đại trà trên toàn tỉnh?

Theo Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 3/4/2024 của UBND tỉnh về việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025, công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập sẽ có nhiều sự thay đổi so với trước: mở rộng Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 (gọi tắt là Kỳ thi) ra 9 trường THPT công lập, đưa tổng số trường tổ chức thi tuyển lên 12 trường (năm học 2023 - 2024 chỉ tổ chức thi với 3 trường THPT chuyên biệt là Chuyên Nguyễn Du, Dân tộc nội trú Đam San và Dân tộc nội trú N'Trang Lơng); các trường còn lại sẽ tổ chức xét tuyển theo quy định chung; mở rộng phân tuyến tuyển sinh theo tuyến huyện, thị xã, thành phố…

Như vậy, so với năm học 2023 – 2024, Kỳ thi có số trường tăng (tăng 9 trường), số thí sinh dự thi tăng cao (tăng gần 6.000 thí sinh); số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Du giảm so với những năm trước. Sự biến động này là điều dễ hiểu bởi bản thân các em đã có sự nhìn nhận về lực học và cân nhắc trong lựa chọn trường THPT để xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân phù hợp với khả năng, nhu cầu.

Sự đổi mới sẽ tạo ra những áp lực đối với phụ huynh, học sinh. Nhưng những tác động tích cực sẽ lớn hơn so với tiêu cực, bởi tất cả các hoạt động giáo dục đều vì sự tiến bộ của học sinh và sự đổi mới là tất yếu để phù hợp với xu thế vận hành chung của hệ thống giáo dục cả nước, nhất là thích ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 tại Điểm thi Trường THPT Buôn Ma Thuột.

* Trước dự báo chất lượng dạy và học ở các cấp sẽ có nhiều chuyển biến, ngành Giáo dục có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Thực tế những năm qua cho thấy, việc tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển ở bậc THPT có nhiều hạn chế như: học sinh tốt nghiệp THCS không có cơ hội để chọn trường THPT trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố vì đã được phân luồng theo tuyến xã, phường; kết quả kiểm tra, đánh giá kết quả học lực, hạnh kiểm giữa các trường THCS không đồng đều dẫn đến việc xét điểm bằng học bạ không phản ánh thật sự chính xác chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh... Đặc biệt là nhiều học sinh THCS không có động lực học tập hoặc mục tiêu học tập không rõ ràng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục bậc THPT, nhất là mặt bằng chung kết quả thi tốt nghiệp THPT hằng năm. Do đó, kết quả Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 sẽ phản ánh rõ nét chất lượng giáo dục ở bậc THCS.

Việc tổ chức thi tuyển sẽ tạo động lực, mục tiêu cho học sinh THCS cũng như cấp tiểu học trong học tập. Trên tinh thần đó, Sở sẽ có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động giáo dục ở các bậc học để từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà trên toàn tỉnh.

Cái được nhất đối với việc đổi mới hình thức tuyển sinh là đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường THPT cũng như thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Những năm tiếp theo, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh mở rộng hình thức thi tuyển tại các trường để bảo đảm quá trình tuyển sinh đạt hiệu quả, củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà như mong muốn của ngành cũng như phía phụ huynh, học sinh.

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Hường (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.