Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống tác hại thuốc lá đối với trẻ em: Vẫn là câu chuyện ý thức

08:35, 02/06/2024

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em, bởi ở trẻ em, phổi chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng chưa cao nên trẻ rất nhạy cảm với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc.

Khói thuốc lá đang "đầu độc" trẻ

Nhà có hai con nhỏ ở độ tuổi mầm non và tiểu học nhưng anh H.V.N. (35 tuổi, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn vô tư hút thuốc lá trong nhà. Thậm chí cả trong những lúc gia đình quây quần bên mâm cơm, anh N. vẫn phì phèo điếu thuốc, phả khói cả vào mặt những đứa trẻ, mặc lời can ngăn của vợ.

Theo lời kể của gia đình, anh N. hút thuốc lá từ năm 15 tuổi, tới nay đã tròn 20 năm. Trung bình mỗi ngày anh hút hết một gói thuốc lá, địa điểm hút thuốc thường ở quán cà phê hoặc ở nhà. Năm 2022, anh N. đi khám bệnh và được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Dù biết tác hại của thuốc lá, nhưng do tâm lý chủ quan, nghĩ rằng mình là thanh niên khỏe mạnh không dễ ảnh hưởng sức khỏe nên anh phớt lờ những lời khuyên của người thân. Cho đến khi bác sĩ chẩn đoán bệnh đã ở trong giai đoạn nặng thì anh N. mới giật mình.

Anh N. cho hay, bản thân anh cũng nhận thấy mỗi lần con mình hít khói thuốc đều lên cơn ho, sặc. Những trận ốm vì bệnh viêm phổi, viêm phế quản của con cũng kéo dài và trở nặng hơn, các bác sĩ cũng khuyến cáo không được cho trẻ em hít phải khói thuốc, thế nhưng vì thói quen và sở thích cá nhân nên anh không thực hiện.

Mới đây, một giáo viên tiểu học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã hốt hoảng khi phát hiện học sinh lớp 3 do mình chủ nhiệm mang thuốc lá điện tử lên lớp.

Điều đáng nói, học sinh là bé gái có hoàn cảnh gia đình phức tạp, cha mẹ ly hôn từ khi em còn nhỏ, em ở với ông bà, không được sự quan tâm dạy bảo của cha mẹ. Được tiếp xúc với mạng xã hội sớm, có điện thoại riêng nên em tìm mua thuốc lá điện tử trên các trang thương mại điện tử.

Theo bộc bạch của học sinh này, bản thân em không biết tác hại của thuốc lá điện tử và mục đích mua sử dụng chỉ là để thể hiện với bạn bè, ngoài ra, trong gia đình học sinh này thì bố và ông ngoại cũng hút thuốc lá hằng ngày.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá cho học sinh trên địa bàn tỉnh.

Một thực trạng đáng buồn ở nhiều gia đình hiện nay là nam giới thường có thói quen hút thuốc lá trong nhà, điều này khiến phụ nữ và trẻ em trở thành người hút thuốc thụ động. Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), thuốc lá và khói thuốc lá đe dọa đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ em. Trong thuốc lá có tới hơn 7.000 chất độc và rất nhiều chất gây ung thư. Đặc biệt, thuốc lá ảnh hưởng đến trẻ em trong suốt quá trình từ lúc các em nằm trong bụng mẹ đến lúc lớn lên. Người mẹ mang thai sử dụng thuốc lá sẽ làm tăng khả năng sảy thai và tử vong thai nhi. Hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em. Cha mẹ hút thuốc khi ở nhà sẽ làm tăng tỷ lệ trẻ bị bệnh hô hấp và các bệnh lý khác.

Cũng theo bác sĩ Minh, đối với các trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi…, nếu trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá sẽ làm tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn. Việc trẻ mắc bệnh về đường hô hấp và tăng nặng do ảnh hưởng của khói thuốc lá trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ.

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống thuốc lá

Theo thống kê, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15 triệu người hút và 33 triệu người hít phải khói thuốc thụ động.

Đối với trẻ em, thống kê cho thấy, tại Việt Nam tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7%; tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13 - 17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023, ở nhóm 13 - 15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.

Theo bác sĩ R’Ma Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh, ở lứa tuổi học sinh, các cơ quan, bộ phận trong cơ thể vẫn đang trong quá trình phát triển.

Với khoảng 7.000 hóa chất của thuốc lá, khi trẻ hút trực tiếp hoặc thụ động đều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ; đồng thời gây ra những căn bệnh sẽ đi theo các em cả cuộc đời sau này như huyết áp, tim mạch, ung thư, bệnh đường hô hấp… Các độc tố trong khói thuốc còn làm suy giảm trí nhớ và giảm hiệu quả học tập.

Học sinh tìm hiểu về tác hại thuốc lá thông qua tờ rơi tuyên truyền.

Để bảo vệ trẻ trước tác hại của thuốc lá, thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã phối hợp với các trường học trên địa bàn đã tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh việc phòng, chống tác hại thuốc lá; chú trọng việc xây dựng trường học không khói thuốc; quán triệt việc không hút thuốc lá trong trường học đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá cho học sinh với nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp, thông qua các hoạt động ngoại khóa, chương trình văn nghệ, sinh hoạt chuyên đề; lồng ghép vào các tiết học chính khóa có nội dung phù hợp…

Qua đó, góp phần hình thành cho học sinh lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và những người xung quanh; kỹ năng biết từ chối những cám dỗ, nói không với thuốc lá và các sản phẩm độc hại; tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; có ý thức chấp hành nội quy của nhà trường.

Cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, mỗi bậc phụ huynh, mỗi gia đình, cộng đồng cần chủ động xây dựng, giữ gìn môi trường trong lành, không có khói thuốc để bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.