Cuộc sống thêm sung túc nhờ xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo đường chính ngạch được đơn giản hóa thủ tục đã tạo điều kiện cho nhiều người lao động ở địa bàn huyện vùng biên Buôn Đôn có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.
Nâng cao thu nhập
Vợ chồng chị Phan Thị Lưu (buôn Niêng, xã Ea Nuôl) đăng ký XKLĐ tại thị trường Đài Loan với mức thu nhập đạt khoảng 25 triệu đồng/người/tháng. Chị Lưu làm cho công ty chuyên sản xuất thiết bị điện tử, còn chồng làm công ty sản xuất nhựa. Trừ mọi chi phí sinh hoạt, anh chị tích góp được mỗi tháng từ 30 - 40 triệu đồng. Cần mẫn, chịu khó làm việc nơi xứ người, sau 9 năm về nước, vợ chồng chị Lưu đã mua được hai mảnh đất ở, hỗ trợ sửa sang nhà cửa cho bố mẹ hai bên, đồng thời có thêm khoản tiết kiệm.
Không chỉ có được khoản tích lũy làm vốn, vợ chồng chị còn có cơ hội học tập thêm kiến thức, kinh nghiệm hay để tự tin lập nghiệp sau khi về quê hương. Chị Lưu bộc bạch: “Sinh sống lâu năm trên đất bạn nên chúng tôi có thể trao đổi với người Đài Loan bằng ngôn ngữ của họ; hiểu được phong tục, tập quán của bạn và được gặp nhiều người cùng ý chí quyết tâm thoát nghèo. Vui nhất là khi có nguồn thu nhập ổn định, bản thân có thể giúp đỡ người thân của mình khi họ khó khăn, hoạn nạn”.
Chị Phan Thị Lưu (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm đi xuất khẩu lao động. |
Quyết định XKLĐ cũng đã mở ra cuộc đời mới cho anh Hoàng Phi Hùng (thôn Hòa Nam, xã Ea Nuôl). Sang Đài Loan theo con đường chính ngạch, công việc tại công ty sản xuất nhựa mang đến cho anh Hùng một khoản thu nhập từ 28 - 30 triệu đồng/tháng. Sau 8 năm XKLĐ, anh Hùng đã có được nguồn vốn kha khá để đầu tư 5 sào đất sản xuất, xây dựng nhà cửa và mua sắm các trang thiết bị tiện nghi, hiện đại. Riêng năm 2024, anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng trang trại nuôi gà siêu trứng với quy mô 2.000 con giống. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc hiện đại, tất cả các loại cây trồng, vật nuôi đã bắt đầu sinh lời, tạo nguồn vốn xoay vòng để anh Hùng tiếp tục giấc mơ phát triển kinh tế với quy mô lớn hơn nữa.
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu
Tiếp sức cho người lao động trên địa bàn có nguồn thu nhập ổn định, hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Buôn Đôn đang phối hợp đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn, đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động. Khi có kỹ năng, tay nghề, người lao động thêm tự tin, biết bảo vệ quyền lợi, bản thân tại các nơi làm việc; tránh được các trường hợp bị chèn ép, bóc lột sức lao động, lừa đảo.
Ưu tiên những thị trường có tiềm năng, địa phương phối hợp mở các phiên giao dịch việc làm lưu động, chủ động kết nối nguồn lao động với doanh nghiệp có nhu cầu. Những doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch việc làm đều phải bảo đảm uy tín, trách nhiệm với người lao động trong quá trình họ làm việc tại nước ngoài.
Anh Hoàng Phi Hùng (bìa trái) xây dựng trang trại nuôi gà siêu trứng từ tiền tích lũy trong thời gian đi xuất khẩu lao động. |
XKLĐ chính ngạch đã và đang là kênh tìm kiếm việc làm hiệu quả, được nhiều người lao động tin tưởng lựa chọn. Theo thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Buôn Đôn, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện có 29 lao động xuất khẩu, chủ yếu ở các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Đức với các ngành nghề như cơ khí, chế tạo kim loại, sản xuất nhựa, thiết bị điện tử… Thực tế nhiều năm qua, thông qua hình thức làm việc ở nước ngoài đã góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nhiều gia đình người lao động trên địa bàn, trong đó có nhiều hộ nghèo và cận nghèo. Hằng tháng, mỗi lao động gửi về cho gia đình từ 10 - 20 triệu đồng. Có nguồn vốn, các gia đình có cơ hội làm giàu chính đáng khi tiếp tục đầu tư sinh lời, phát triển thêm nhiều ngành nghề tại địa phương.
Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chia sẻ: các thủ tục XKLĐ khá tiện lợi, mức chi phí vừa phải. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động cũng cần liên hệ với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tuyển dụng lao động có uy tín, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc