Huyện Krông Búk: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Krông Búk quan tâm nhằm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân; qua đó, tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2009 – 2023, huyện Krông Búk đào tạo nghề cho 15.000 lao động với các ngành nghề: sửa chữa xe máy, chăn nuôi thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật cắt may, hàn điện, trồng nấm…
Đối tượng học nghề là nông dân có trình độ và độ tuổi khác nhau nên việc đào tạo nghề được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, tức là dạy nghề giữa lý thuyết và thực hành song song với nhau nên giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tế.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện cho biết, phần lớn học viên sau khi học nghề cơ bản có việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập trong gia đình. Không ít học viên biết vận dụng các kiến thức học được vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Y Mười Niê (bên trái) ở xã Cư Né (huyện Krông Búk) mở xưởng hàn tại nhà sau khi tham gia lớp học nghề hàn điện. |
Gia đình anh Y Mười Niê (xã Cư Né) trước đây thuộc hộ nghèo. Từ năm 2018 nhờ được học nghề hàn điện do Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức, anh tự tin nhận các phần việc: mái vòm, hàng rào, lan can, cầu thang về làm. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, anh Y Mười mở xưởng hàn tại nhà, chuyên cung cấp các dịch vụ lắp đặt, hàn gắn, sửa chữa chi tiết máy móc, vật liệu bằng sắt thép phục vụ nhu cầu của bà con. Qua đó, tạo việc làm cho 3 - 4 lao động với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Không chỉ anh Y Mười mà nhiều học viên học cùng lớp với anh giờ đây cũng đã tìm được việc làm ổn định.
6 tháng đầu năm 2024, huyện Krông Búk đào tạo nghề cho 1.021 lao động; đã giải quyết việc làm cho 795 người (đạt 53% kế hoạch). |
Còn anh Y Zét Niê (cũng ở xã Cư Né) trước đây đã làm nghề hàn nhưng chỉ làm thuê cho một số cơ sở hàn sắt bởi không biết cách đo đạc, tính toán vật tư. Năm 2024, anh Y Zét tham gia lớp học nghề hàn điện do Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức, được giáo viên trang bị kiến thức lý thuyết, hướng dẫn thực hành thường xuyên nên tay nghề được nâng lên.
Từ hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đem lại, năm 2024 huyện Krông Búk tiếp tục tuyển sinh 9 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, hàn điện, may công nghiệp, trồng và khai thác nấm, lắp đặt điện, nước, chăn nuôi tại các xã, thị trấn.
Chị H’Lora Mlô, học viên lớp dệt thổ cẩm ở xã Ea Sin cho hay, tham gia lớp dệt truyền thống chị được nghệ nhân truyền dạy cách lên khung, xếp sợi để tạo hình hoa văn và tạo khổ dệt một sản phẩm cụ thể. Chị mong muốn sau khóa học, thời gian rảnh rỗi có thể nhận dệt thổ cẩm tại nhà, hoặc liên kết các chị em trong xã thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm vừa có thêm thu nhập, vừa góp phần khôi phục, gìn giữ nghề truyền thống.
Học viên tham gia lớp dạy nghề dệt thổ cẩm ở xã Ea Sin (huyện Krông Búk). |
Huyện Krông Búk có trên 37.000 người trong độ tuổi lao động. Để đào tạo nghề cho lao động nông thôn đúng đối tượng, hiệu quả cao, hằng năm UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lao động khi tham gia học nghề; thường xuyên khảo sát, rà soát lao động nông thôn đã, đang và chưa qua đào tạo nghề, tìm hiểu nhu cầu để tổ chức dạy nghề phù hợp.
Song song với đào tạo nghề, huyện đặc biệt quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động thông qua tổ chức phiên giao dịch việc làm, kết nối các kênh tư vấn, tuyển dụng lao động. Nhờ đó, hàng nghìn lao động ở địa phương đã tìm kiếm được việc làm phù hợp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Theo ông Y Ly Mlô, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện, việc đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo sẽ đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, từ đó nâng cao chất lượng nguồn lao động cũng như khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2024, huyện Krông Búk đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 2.355 lao động; giải quyết việc làm cho 1.500 người. Để đạt mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm đề ra, huyện tập trung tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự; lồng nghép các chương trình, chính sách hỗ trợ người lao động học nghề; gắn kết giữa đào tạo nghề và giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Như Quỳnh - Văn Huệ
Ý kiến bạn đọc