Multimedia Đọc Báo in

Người có đất thu hồi được vay vốn tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

17:26, 17/07/2024

Chiều 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành bàn về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H Yim Kđoh, đại diện lãnh đạo các đơn vị, sở, ban, ngành hữu quan.

a
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về phạm vi điều chỉnh, đối tượng hỗ trợ, thời gian và thời hạn hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Theo dự thảo, người lao động có đất thu hồi bao gồm: Người được hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 109 Luật Đất đai (sau đây gọi tắt là người có đất nông nghiệp thu hồi); người thuộc hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 109 Luật Đất đai (người có đất kinh doanh thu hồi); cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các nội dung quy định.

Dự thảo nêu rõ, người có đất thu hồi được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có Quyết định thu hồi đất. Cụ thể, người có đất thu hồi tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Người có đất thu hồi tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ học phí cho một khóa học. Mức học phí được hỗ trợ bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của pháp luật...

a
Các điểm cầu tham gia hội nghị trực tuyến.

Về hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, người có đất thu hồi được hỗ trợ: Tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại trung tâm dịch vụ việc làm; vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Người có đất nông nghiệp thu hồi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Người có đất kinh doanh thu hồi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ như người lao động có đất nông nghiệp thu hồi.

Người có đất thu hồi được vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức vay vốn tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi là cần thiết, theo đúng quy định; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả người lao động, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất.

Trong thời gian tới Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đóng góp ý kiến; cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, tổng hợp, hoàn thiện dự thảo nghị định bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, phù hợp, đúng thời gian quy định.

Phó Thủ tướng hoan nghênh các đơn vị, địa phương có những góp ý thiết thực, cụ thể để Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi sớm hoàn chỉnh và ban hành. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người có đất thu hồi được tham gia và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.