Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng biên

08:33, 24/07/2024

Huyện Buôn Đôn có 48 thôn, buôn đặc biệt khó khăn của 6/7 xã được thụ hưởng Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” gồm: Ea Nuôl, Tân Hòa, Cuôr Knia, Ea Wer, Ea Huar và Krông Na với 9.794 hộ, 39.131 khẩu, trong đó có 4.111 hộ do nữ làm chủ.

Để thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến về giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện tập trung nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục nhận thức về bình đẳng giới; đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em; thành lập “địa chỉ tin cậy”; giám sát, phản biện xã hội đáp ứng nhu cầu thiết thực của phụ nữ…

Xã Krông Na có 1.716 hộ (6.291 nhân khẩu) thuộc 13 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ chiếm 76,8%. Trước đây, nhiều cặp vợ chồng ở đây chưa ý thức sinh con theo kế hoạch nên nhà nào cũng sinh đông con để có nhiều lao động làm việc. Theo đó, gánh nặng sinh nở, nuôi nấng, chăm sóc con đè nặng lên đôi vai người phụ nữ.

Trước thực trạng trên, từ năm 2018, Hội LHPN xã đã thành lập các mô hình, câu lạc bộ như: gia đình hạnh phúc, phụ nữ với pháp luật, hội viên phụ nữ không sinh con thứ ba ở các thôn, buôn… nhằm tập hợp nhiều thành phần, cả nam giới tham gia, từ đó phát huy tốt hơn vai trò trụ cột của gia đình là người chồng, người cha, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện tốt hơn thiên chức làm mẹ, làm vợ. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hội viên phụ nữ xã Krông Na từng bước nâng cao ý thức thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con cái. Quan niệm sinh đông con cũng dần thay đổi.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) thăm gia đình chị H Xeng Rmuah (SN 1992) ở buôn Jang Lành (xã Krông Na).

Chị H Xeng Rmuah (SN 1992) và anh Bun Ken Lào (SN 1991), ở buôn Jang Lành (xã Krông Na) kết hôn năm 2014 đến nay đã có hai con trai. Chị H Xeng là con gái duy nhất trong gia đình theo chế độ mẫu hệ nhưng vợ chồng chị đã chủ động thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình và ký cam kết không sinh thêm con. “Vợ chồng tôi thu nhập không cao, sau khi lo cho các con ăn học chu đáo, mỗi năm vẫn dư được ít vốn, cùng với sự giúp đỡ của Hội LHPN xã Krông Na và Bộ đội Biên phòng tỉnh thì đầu tháng 7 vừa qua, vợ chồng tôi đã xây được nhà mới”, chị H Xeng chia sẻ.

Theo bà Bun Sốm Lào, Phó Chủ tịch UBND xã, đã có một sự thay đổi rõ nét trong tư duy về kết hôn của nam nữ thanh niên người DTTS trên địa bàn. Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể. Độ tuổi kết hôn của nam thường từ 22 - 27 tuổi, thậm chí đến 30; nữ từ 18 - 25 tuổi trở lên. Hiện nay, việc kết hôn không còn phụ thuộc nhiều vào việc mai mối mà trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng của nam và nữ; các hủ tục trong cưới hỏi cũng không còn.

Nếu như ở xã Krông Na, Hội LHPN xã tập trung tuyên truyền để thay đổi tập tục sinh đông con, hủ tục cưới hỏi, thì tại xã Ea Huar, Hội LHPN xã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động truyền thông xóa bỏ định kiến giới bằng nhiều hình thức như: pa nô, phổ biến văn bản, xây dựng các tiểu phẩm sân khấu hóa, cuộc thi, chương trình liên hoan các mô hình tổ truyền thông gắn với tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024… đã tạo hiệu quả truyền thông cao đối với người tham gia.

Kết thúc mỗi hoạt động, Hội LHPN xã tiếp tục đăng tải thông tin, hình ảnh, mục đích, ý nghĩa, nội dung truyền thông trên trang mạng xã hội của Hội để lan tỏa nhiều thông điệp hay, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Có thể kể đến như: “Việc nhà là không của riêng ai”, “Chung tay làm việc nhà để gia đình hạnh phúc”, “Ngăn chặn xâm hại trẻ em”, “Gia đình nơi để yêu thương, chia sẻ”…

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Huar tổ chức Liên hoan các mô hình tổ truyền thông gắn với tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới.

Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS còn được các cấp Hội Phụ nữ huyện Buôn Đôn lồng ghép triển khai hiệu quả trong các nhiệm vụ và hoạt động phong trào Hội. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội LHPN huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 48 tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn, buôn với 391 thành viên tham gia (223 nam, 168 nữ) và 2 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (xã Tân Hòa), Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ea Huar); ra mắt, duy trì 5 mô hình “Địa chỉ tin cậy”; triển khai 3 đợt khám chữa bệnh, tầm soát sản phụ khoa miễn phí cho cán bộ hội LHPN các cấp, hội viên khó khăn…

Những nỗ lực trên đã góp phần thay đổi định kiến giới ở huyện vùng biên Buôn Đôn. Song, với những định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, việc triển khai các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới vẫn còn những hạn chế. Vấn đề cốt lõi của định kiến giới thuộc về yếu tố văn hóa, nhận thức của mỗi người, để thay đổi vấn đề này không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần một hành trình dài.

"Để góp phần xóa bỏ định kiến giới, giúp bản thân có cơ hội cống hiến, phát triển, bên cạnh trợ lực của các cấp Hội LHPN huyện, từng hội viên phụ nữ cần vượt lên rào cản, thực hiện quyền bình đẳng, khẳng định vị trí của mình trong gia đình, ngoài xã hội và tích cực đóng góp cho cộng đồng”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Buôn Đôn H’Bon Du mong muốn.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.