Multimedia Đọc Báo in

Từ thế giới ảo đến hệ lụy thực

07:40, 31/07/2024

Sử dụng mạng xã hội (MXH) sớm trong khi chưa được giáo dục, nhận thức đầy đủ các mối nguy hại khiến một bộ phận trẻ em dễ lệch lạc trong suy nghĩ, hành động và bị lôi kéo, trở thành nạn nhân của các loại tội phạm trên môi trường mạng.

Mâu thuẫn trên mạng, đánh nhau ngoài đời

MXH ngày càng hấp dẫn giới trẻ, trong đó có đối tượng trẻ em. Chỉ với một chiếc điện thoại hay máy tính, các em dễ dàng tìm kiếm thông tin hay kết bạn, trò chuyện với bạn bè mà không gặp cản trở về không gian, thời gian.

Việc tiếp xúc, sử dụng MXH từ sớm giúp trẻ em tìm hiểu, tiếp cận nhiều kiến thức, thông tin có ích phục vụ việc học tập và trau dồi kỹ năng sống. Tuy nhiên, đi cùng với những lợi ích thì MXH cũng chứa đầy những rủi ro tiềm ẩn, nhất là với những em thiếu kiến thức, chưa biết cách chọn lọc, tiếp cận thông tin để tự bảo vệ mình.

Học sinh một trường THPT trên địa bàn thị xã Buôn Hồ dùng máy tính trong giờ tin học.

Thực tế đã xảy ra những việc từ trò chuyện, bình luận “dạo” trên MXH với quan điểm khác nhau, lời qua tiếng lại rồi dẫn đến việc hẹn gặp nhau ngoài đời để giải quyết, gây hậu quả đáng tiếc.

Còn nhớ vụ việc xảy ra vào năm 2021, Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh tiếp nhận thông tin có nhóm học sinh đánh nhau tại khu vực đồi thông, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) nên đã cử một tổ công tác nhanh chóng đến hiện trường. Tại đây, tổ công tác phát hiện có 12 thanh, thiếu niên đang quây đánh một em nữ, những em khác không can ngăn mà còn quay clip. Nguyên nhân của vụ việc được xác định là do mâu thuẫn trên MXH giữa hai nữ sinh lớp 11 của một trường THPT trên địa bàn thành phố.

Một vụ khác, do có mâu thuẫn với nhau trên Facebook nên hai nhóm học sinh của một số trường THPT trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hẹn nhau ra một quán nước để "giải quyết" gây náo loạn đường phố, lực lượng chức năng phải can thiệp...

Hệ lụy từ yêu qua mạng

Việc tiếp xúc với MXH không chỉ khiến trẻ dễ bị lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật mà nhiều em gặp phải nguy cơ như nghiện game, sa lầy vào thế giới ảo, bị lừa gạt...

Em V.T.K. (SN 2006), dân tộc Mông, học sinh một trường THCS trên địa bàn huyện Krông Bông đã sa đà với MXH Facebook suốt mấy năm, qua đó quen biết và nảy sinh tình cảm với một bạn nam ở xã Ea Dah (huyện Krông Năng).

Sau hai năm quen nhau qua MXH, khi bước vào năm học 2022 - 2023 được hai tháng, em V.T.K. đang học lớp 9 đã quyết định bỏ học theo người yêu về nhà chung sống như vợ chồng. Trong khi đó, bố mẹ V.T.K. đi làm rẫy xa nhà, 1 - 2 tháng mới về một lần nên không hề hay biết những thay đổi trong cuộc sống của con, đến khi biết thì sự việc đã rồi.

Em V.T.K. chia sẻ về câu chuyện yêu qua mạng.

Trường hợp của em H.T.Ơ. (SN 2009) ở huyện Krông Bông cũng nghỉ học đi theo người yêu quen qua MXH Facebook. Theo giáo viên chủ nhiệm của Ơ., trước đó em không hề có biểu hiện gì khác lạ, trên lớp vẫn chăm chỉ học tập. Đến khi thấy Ơ. nghỉ học không xin phép, cô giáo tìm đến nhà mới được bố mẹ Ơ. cho hay em đã bỏ nhà theo người yêu đến xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc)...

Cũng có những trường hợp chỉ vì quen nhau qua MXH mà trẻ em gái đã bị xâm hại tình dục để lại nỗi đau dai dẳng, ám ảnh suốt cuộc đời. Đơn cử như cuối năm 2022, gia đình một bé gái 15 tuổi (huyện Buôn Đôn) đã trình báo cơ quan công an về việc con gái mình có quen biết với một bạn trai (15 tuổi) qua MXH và được bạn này chở đi chơi buổi tối rồi cưỡng ép quan hệ tình dục. Không chỉ vậy, bạn trai này còn rủ thêm một số bạn trai khác cùng tham gia...

Theo khảo sát của Google thực hiện năm 2022, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại di động là 9 tuổi, trong khi trẻ em trên thế giới sử dụng điện thoại di động và bắt đầu được tiếp cận về các kỹ năng an toàn mạng là 13 tuổi. Sự non nớt về nhận thức khiến các em có nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.