Multimedia Đọc Báo in

Người dân xã Ea Tiêu lo lắng về chất lượng nguồn nước

08:24, 01/08/2024

Thời gian qua, người dân buôn Êbung và buôn Tiêu (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) lo ngại vì nguồn nước ở các con suối, hồ xung quanh khu vực này bị ô nhiễm.

Ông Y Bông Hmok, Trưởng buôn Tiêu cho biết, hồ Ea Tiêu bị ô nhiễm từ lâu nay. Mùa này, nước hồ lớn thì đỡ, mùa khô mực nước hồ thấp, tình trạng ô nhiễm nặng hơn. Trước đây, cá dưới hồ rất nhiều, hiện nay cá vẫn có nhưng không lớn nổi. Khoảng tháng 5/2024, người dân còn phát hiện cá chết nổi dưới hồ. Do nước không sạch nên gia súc chăn thả gần hồ cũng không uống. Xung quanh hồ toàn vườn cây của người dân nhưng bà con chủ yếu khoan hoặc đào giếng để tưới vì sợ ảnh hưởng đến cây trồng. Hộ nào không có điều kiện mới tận dụng nước hồ tưới cây.

Còn bà H Yoi Adrơng, Trưởng buôn Êbung sống ở đây nhiều năm cho biết, có nhiều lúc nước hồ chuyển màu đen, bốc mùi hôi. Trước đây, người dân xuống hồ tắm bình thường, bây giờ chỉ rửa tay cũng bị ngứa.

Buôn Tiêu có 600 hộ, 2.700 khẩu. Buôn Êbung 250 hộ, 1.248 khẩu. Theo người dân ở đây, tác nhân đe dọa nguồn nước là từ nhà máy chế biến cà phê của Công ty TNHH Cà phê Ngon hoạt động trong Cụm công nghiệp Cư Kuin. Cụ thể, nước thải của nhà máy xả ra hồ Ea Ung, chảy sang hồ Ea Tiêu rồi theo suối Ea Tiêu chảy xuống hạ nguồn. Mặc dù nguồn nước sinh hoạt sử dụng giếng khoan hoặc đào vẫn bảo đảm chất lượng nhưng bà con vẫn lo lắng rằng nếu không kiểm soát tốt vấn đề xả thải thì các hồ, suối sẽ bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của nhiều hộ dân.

Người dân lo lắng vì hồ Ea Tiêu bị ô nhiễm.

Theo tìm hiểu, nhà máy chế biến cà phê hòa tan của Công ty TNHH Cà phê Ngon hiện có công suất 36.000 tấn/năm. Dự án này được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 1593/QĐ-UBND, ngày 29/6/2010; Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết tại Quyết định số 54/QĐ-STNMT, ngày 7/4/2015 và được UBND tỉnh cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 02/GP-UBND, ngày 3/1/2017.

Tháng 4/2024, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cư Kuin chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường), các cơ quan chức năng của huyện, UBND xã Ea Tiêu và Công ty TNHH Cà phê Ngon đã tiến hành thông qua kết quả đo đạc, phân tích các thông số nước thải đầu ra của hệ thống xử lý nước thải tại miệng cống xả ra hồ Ea Ung và tại điểm tiếp giáp giữa hồ Ea Ung và hồ Ea Tiêu. Đối chiếu với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2023/BTNMT) cho thấy, một mẫu có chất lượng nước trung bình, mẫu còn lại chưa đủ cơ sở để đánh giá chất lượng nước.

Số liệu quan trắc tự động do công ty này đặt tại nhà máy chế biến cà phê hòa tan cũng thể hiện các thông số giám sát không vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định.

Vị trí nước thải xả ra tại hồ Ea Ung thời điểm mùa khô. Ảnh: Tuấn Anh

Theo cơ quan chức năng huyện Cư Kuin, qua kiểm tra chưa phát hiện Công ty TNHH Cà phê Ngon xả chất thải trái phép ra môi trường. Toàn bộ lượng nước thải phát sinh được thu gom bằng hệ thống xử lý nước thải tập trung của nhà máy, sau khi được xử lý mới xả ra hồ.

Về phía doanh nghiệp cho rằng, hồ Ea Ung dạng giống đập tràn, nước mặt chảy thường xuyên, tạp chất sẽ lắng xuống đáy, lượng Nitơ trong nước thải càng cao thì sẽ làm tăng hàm lượng chất dinh dưỡng cho các loại thực vật phù du như rêu, tảo, gây ra tình trạng thiếu oxy trong nước, giảm chất lượng nước. Do đó, để đánh giá được chất lượng nước tại hai hồ trên thì phải đánh giá các tác động xung quanh, trong đó có việc sản xuất nông nghiệp của các hộ dân khu vực này.

Thiết nghĩ, với những lo lắng của người dân liên quan đến chất lượng nguồn nước, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tìm nguyên nhân thực sự, mức độ ô nhiễm và có phương án xử lý phù hợp nhằm bảo đảm môi trường và chất lượng nguồn nước khu vực này để không ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.