Multimedia Đọc Báo in

Nhớ độc mộc...

09:00, 27/08/2024

Dáng thuyền độc mộc trên các dòng sông Tây Nguyên ngày càng thưa thớt khiến không ít người hoài niệm và nhớ về một thời “hoàng kim” của phương tiện đi lại cổ xưa và độc đáo này.

Độc mộc ngày ấy đưa người ta lên nương rẫy, ruộng vườn; chở nông sản, vật phẩm đi trao đổi, buôn bán khắp nơi; thăm viếng nhau trong những ngày nông nhàn, lễ hội; hay có một sự kiện nào đó diễn ra trong mỗi cộng đồng. Bởi gần gũi, gắn bó như thế nên độc mộc là một phần không thể thiếu trong đời sống của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên.

Giờ đây, độc mộc ở vùng đất này - nếu có còn dăm ba chục chiếc thì chủ sở hữu của nó cũng chủ yếu dùng vào việc phục vụ khách du lịch để kiếm thêm thu nhập. Ví như ở huyện Lắk, một số buôn làng người M’nông (như buôn Jun, buôn Lê, buôn M’liêng) sinh sống quanh mạn hồ Lắk, số thuyền độc mộc còn lại trên dưới hai mươi chiếc và hầu hết người dân ở đây đều sử dụng tài sản này để đưa đón du khách dạo chơi trên hồ.

Chị H’Ơn Buôn Đap ở buôn Jun chia sẻ rằng: Số độc mộc ít ỏi còn lại ấy cũng có “tuổi thọ” gần ba mươi năm, có nhiều chiếc đã thủng đáy, hư vành… phải dùng tôn bịt lại để dùng. Rồi đây, dăm bảy năm nữa không biết hình ảnh thân quen kia có còn không! Trong khi đó, hơn mười năm qua, ở vùng sông nước này không có một sản phẩm nào được làm mới, thành ra mối bận tâm về một ngày độc mộc xa mờ và vắng bóng hẳn cứ ám ảnh mọi người.

Thuyền độc mộc đưa du khách dạo chơi trên hồ Lắk.

Có lẽ, hình ảnh thuyền độc mộc chỉ còn trong ký ức vào một ngày không xa. Sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng giao thông đường bộ đã khiến giá trị sử dụng của thuyền độc mộc bị giảm sút đáng kể.

Cùng với đó, sự suy kiệt tài nguyên rừng, đặc biệt là gỗ tự nhiên, cũng khiến các tộc người ở Tây Nguyên không còn nguồn nguyên liệu để chế tác thuyền độc mộc như xưa. Biết rằng xã hội hiện đại luôn vận động và phát triển; công nghệ ngày một tiên tiến đã cho ra đời những sản phẩm mới mẻ, tiện ích hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của con người.

Tuy nhiên, không phải tất cả sự thay thế đó đều phù hợp và được coi như xu thế tất yếu mà lãng quên những giá trị truyền thống. Những giá trị ấy đều hàm chứa yếu tố lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội nhất định; một khi nó mất đi sẽ để lại những “khoảng trống” trong bản sắc của mỗi cộng đồng, dân tộc, mà thuyền độc mộc, xét về phương diện này cũng là một hình ảnh rất gợi và rất tiêu biểu trong đời sống của các tộc người ở Tây Nguyên.

Nói như thế để thấy rằng thuyền độc mộc ở đây bao hàm những giá trị thật sự như một di sản. Trong khảo cứu chuyên đề “Thuyền độc mộc trong đời sống của một số dân tộc ở Tây Nguyên” do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện (TS. Vũ Thị Mai Phương chủ biên) vừa được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành vào cuối năm 2023 đã nêu bật giá trị của thuyền độc mộc ở vùng đất này.

Không nói tới giá trị kinh tế - xã hội như đã nêu (là phương tiện để đi lại, sản xuất, kinh doanh xưa cũng như nay) - mà chỉ soi rọi dưới góc nhìn văn hóa cũng đủ thấy thuyền độc mộc ở đây đáng được gìn giữ, bảo tồn như một di sản độc đáo, giàu bản sắc của các tộc người ở Tây Nguyên.

Theo TS. Vũ Thị Mai Phương, trước hết thuyền độc mộc thể hiện giá trị gắn kết, chia sẻ và tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng thông qua quá trình làm và sử dụng. Thứ đến, giá trị quan trọng nhất là trao truyền tri thức dân gian từ thế hệ này đến thế hệ khác trong nhiều cung đoạn thực hành và sáng tạo nên con thuyền độc mộc kia.

Ví như người M’nông cũng như các tộc người khác, để có thân cây (tốt nhất là cây sao nước) làm thuyền độc mộc, cộng đồng phải làm lễ tạ ơn rừng rồi mới xin cây về. Những cung đoạn “hóa thân” cho cây rừng trở thành phương tiện đi lại gần gũi, thân thuộc ấy thực sự là “kho tri thức dân gian” vô cùng độc đáo và quý báu.

Đầu tiên, người ta dùng rìu, đục để móc ruột thân cây ra. Vừa móc, vừa dùng lửa đốt cho nhanh, đến khi thành dáng con thuyền thì vuốt thêm hai đầu cho thon thả, sau đó đem ngâm dưới nước.

Vài ba con trăng đi qua thì vớt lên phơi, lấy vật nặng như đá, gỗ đè lên cho thân thuyền không vênh vẹo. Lúc “hạ thủy” là thời khắc quan trọng nhất - phải là một đêm đẹp trời mới đưa độc mộc rời bờ sau khi cúng thần rừng, thần nước...

Độc mộc bấy giờ đã mang tâm hồn, gương mặt của người tạo tác - và người ta xem nó như “một thành viên” trong cộng đồng. Sự mất, còn của độc mộc bao giờ cũng khiến mọi người trăn trở, quan tâm.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc