Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng văn hóa đọc từ tủ sách gia đình

08:35, 29/08/2024

Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc cùng niềm đam mê, tình yêu dành cho sách, không ít gia đình đã xây dựng được tủ sách đa dạng, phong phú với nhiều thể loại, lĩnh vực, kiến thức phù hợp với từng thành viên trong gia đình.

Dù khá bận rộn với công việc nhưng chị Nguyễn Thị Hằng (48 tuổi, buôn Cư Mblim, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) luôn dành thời gian đọc sách cùng con.

Để xây dựng tủ sách, chị thường xuyên cùng các con tới các nhà sách, hội sách để mua những quyển sách phù hợp với sở thích, nhu cầu, lứa tuổi, khả năng tiếp nhận của từng thành viên trong gia đình và ưu tiên lựa chọn những đầu sách của các tác giả, nhà xuất bản uy tín.

Đến nay, tủ sách của chị đã có hơn 100 đầu sách với nhiều thể loại như văn học, nghệ thuật, lịch sử, khoa học...

Chị Nguyễn Thị Hằng đọc sách cùng con trai mỗi tối.

“Mỗi tối, tôi thường dành từ 1 – 2 giờ cùng con đọc sách. Tôi chú trọng định hướng cho con đọc sách gắn với những hoạt động khám phá thực tế như đi du lịch, tra cứu thông tin trên mạng Internet… để có thể hình dung cụ thể, đối chiếu, so sánh những kiến thức, thông tin được tiếp nhận từ sách với xã hội, môi trường sống; giúp việc đọc sách trở nên gần gũi, thú vị và thật sự có ý nghĩa. Từ khi có thói quen đọc sách, con tôi dần rời xa các thiết bị công nghệ, khi ở trường con đã tự tin đưa ra ý kiến, có thể xử lý nhiều tình huống trong cuộc sống. Bây giờ không cần bố mẹ nhắc nhở, con tôi đã tự giác đọc sách lúc rảnh rỗi, thậm chí còn mang đến lớp để tranh thủ đọc vào giờ giải lao”, chị Hằng tâm sự.

Giống như chị Hằng, chị Vũ Thị Hương Giang (43 tuổi, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã ươm mầm, chắp cánh niềm đam mê với sách cho các con thông qua việc xây dựng một tủ sách nhỏ trong gia đình.

“Tôi đã duy trì thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ. Hiểu được những lợi ích mà sách mang lại, mỗi khi rảnh, tôi sẽ đọc cho con nghe nhiều thể loại sách khác nhau, để từ đó các con có thể chọn ra thể loại sách mà bản thân cảm thấy thú vị và sẽ tự tìm những quyển sách tương tự để đọc”, chị Giang chia sẻ.

Em Nguyễn Vũ Đức Anh cùng mẹ tập thuyết trình về quyển sách “Điện Biên Phủ – Không thể nào quên” chuẩn bị cho cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Đắk Lắk năm 2024.

Thường được mẹ đọc cho nghe về các sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, con trai chị Giang là em Nguyễn Vũ Đức Anh (15 tuổi) đã dần hình thành niềm đam mê với sách, đặc biệt với thể loại lịch sử. Đức Anh thường nhờ mẹ đưa tới thư viện vào mỗi ngày cuối tuần, đến nay em đã đọc được hơn 30 đầu sách lịch sử như "Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX" của tác giả Lê Thành Khôi, "30 năm chiến tranh cách mạng Việt Nam (1945 - 1975)" của tác giả Nguyễn Huy Toàn...

Từ niềm đam mê đó, vừa qua, Đức Anh đã mạnh dạn tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Đắk Lắk năm 2024 và đoạt giải Khuyến khích ở nội dung Bài chia sẻ về nhân vật trong một tác phẩm đã truyền cảm hứng tích cực. “Trong cuộc thi, em chọn trình bày quyển sách “Điện Biên Phủ – Không thể nào quên” của tác giả Hoàng Hải. Vì là một quyển sách nói về lịch sử, yêu cầu sự chính xác cao nên em đã dành hơn một tháng tìm tài liệu, thông tin, hình ảnh phù hợp nhằm thể hiện đúng nội dung; đồng thời tập thuyết trình với mẹ mỗi tối để có thể truyền tải hết ý nghĩa của sách đến với người nghe. Đối với em, cuộc thi này là một cơ hội quý để lan tỏa niềm đam mê đọc sách của mình đến với mọi người, nhất là với các bạn đồng trang lứa”, Đức Anh bày tỏ.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng tủ sách gia đình không hề khó, tuy nhiên điều đó vẫn chưa phổ biến trong xã hội hiện đại, nhất là ở những vùng nông thôn. Với những lợi ích văn hóa đọc mang lại, mỗi gia đình nên có riêng cho mình một không gian đọc tại nhà để các thành viên có thể cùng nhau thư giãn, góp phần lan tỏa, khuyến khích việc tự học, tự đọc, tiến tới xây dựng gia đình học tập, cộng đồng học tập.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.