Multimedia Đọc Báo in

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Buôn Đôn: Đột phá trong khâu tuyên truyền

08:42, 12/09/2024

Đứng trước nguy cơ, khả năng không hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2024, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Buôn Đôn đang khẩn trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh, tổ chức các lớp dạy nghề.

Theo Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 20/2/2024 của UBND huyện Buôn Đôn giao chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 2024 về lĩnh vực lao động và xã hội thì chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện là 530 lao động.

Tuy nhiên đến thời điểm này, Phòng LĐ-TB&XH huyện chỉ mới phối hợp, tổ chức được 6 lớp, với tổng số 180 học viên, nếu tính thêm cả 2 lớp sắp khai giảng với 60 học viên thì tổng cộng vẫn chưa bằng 50% kế hoạch cả năm đề ra.

Quỹ thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, chính vì thế Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp với các đơn vị, địa phương họp, phân tích, tìm nguyên nhân để có hướng khắc phục một cách cụ thể.

Các học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề được Phòng LĐ-TB&XH huyện Buôn Đôn xác định là những "tuyên truyền viên" đắc lực cho công tác đào tạo nghề tại địa phương.

Theo đó, song song với việc củng cố cơ sở vật chất đào tạo, sẵn sàng đội ngũ giáo viên phục vụ công tác giảng dạy, huyện xác định giải pháp then chốt giúp địa phương có thể hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch là triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền.

Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đẩy mạnh tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt chú ý những chính sách mà người tham gia học nghề được hưởng theo Quyết định số 23/2023/QĐ-UBND ngày 25/7/2023 của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, bên cạnh việc thông tin về mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp cho một người/khóa học theo quyết định trên đối với từng nhóm đối tượng thì tất cả các học viên còn được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày và 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm được đào tạo ở xa nơi cư trú trên 15 km.

“Đây là những chế độ, quyền lợi thiết thực mà người đào tạo nghề được thụ hưởng ngoài chính sách hỗ trợ đào tạo nghề. Không ít trường hợp người dân muốn tham gia học nghề, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên vẫn còn băn khoăn, lo lắng về chi phí đi lại, sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy nếu tất cả người dân có nhu cầu học nghề được thông tin, hiểu đầy đủ về chính sách trên thì sẽ mạnh dạn đăng ký tham gia”, Trưởng phòng LĐ-TB&XH  huyện Buôn Đôn Lê Thanh Sơn nhận định.

Pa nô tuyên truyền thông tin chính sách về giáo dục nghề nghiệp tại khu vực trụ sở UBND xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn).

Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền trực quan, lắp đặt các pa nô có mã QR tại cổng trụ sở UBND 7 xã trên địa bàn, thông tin tóm tắt chính sách giáo dục nghề nghiệp. Tất cả người dân quan tâm đến công tác học nghề đều có thể quét mã QR một cách tiện lợi, dễ dàng để tìm hiểu tất cả các thông tin, ngành nghề được đào tạo, mọi thắc mắc liên quan có thể liên hệ trực tiếp qua số điện thoại được công khai trên pa nô để được giải đáp cụ thể.

Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng kết nối, giữ mối liên hệ với những học viên đã qua đào tạo để tuyên truyền theo cách "người thật việc thật", xem đây như là những cộng tác viên ngay ở địa bàn, cơ sở. Bản thân những cộng tác viên này là những người trực tiếp thụ hưởng lợi ích thiết thực từ công tác học nghề, phần lớn đã vận dụng những kiến thức nghề nghiệp được trang bị vào cuộc sống, cải thiện, nâng cao thu nhập, lại gần gũi với cộng đồng dân cư nên hơn ai hết họ sẽ tuyên truyền, phổ biến hiệu quả nhất.

Hy vọng với khâu đột phá vào công tác tuyên truyền này, chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Buôn Đôn sẽ bảo đảm đạt kế hoạch đề ra.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.