Multimedia Đọc Báo in

Giữ nghề làm đèn kéo quân

08:17, 15/09/2024

Cứ mỗi mùa trung thu về, ngôi nhà của bà Đinh Thị Hồng (ở tổ dân phố 7, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) lại lung linh sắc màu của những chiếc lồng đèn kéo quân.

Bà Hồng gắn bó với nghề làm lồng đèn 40 năm qua. Bà và các con học nghề làm lồng đèn từ chồng. 9 người con trong gia đình ai cũng biết làm lồng đèn kéo quân, nhưng chỉ đảm trách phần khung thô; phần lõi và quạt quay phải tự tay bà Hồng làm.

Để làm được chiếc lồng đèn kéo quân phải trải qua rất nhiều công đoạn: từ lựa tre, phơi khô, chẻ tre rồi dựng thành khung, đến cắt dán các họa tiết lên giấy kiếng để tạo hình thù ngộ nghĩnh, sinh động. Tất cả công đoạn đó đều được làm thủ công bởi đôi tay tỉ mỉ, sự kiên nhẫn cùng niềm đam mê của người thợ.

Qua đôi bàn tay khéo léo của bà Hồng, những chiếc đèn kéo quân lung linh sắc màu được hoàn thành.

Tre sau khi mua về được bà Hồng chẻ theo kích thước tùy vào lồng đèn to hay nhỏ, sau đó đem phơi khô, hơ qua lửa. Nếu làm tre tươi hoặc phơi chưa đủ độ khô, sau khi hoàn thành đèn được một thời gian các cánh bị cong lại làm hư các mối dán và giấy kiếng.

Bà Hồng cho biết, một chiếc lồng đèn kéo quân gồm ba phần chính là khung ngoài, lồng quay và cánh quạt. Bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, bà đã làm các khung ngoài của đèn kéo quân, đến đầu tháng 8 âm lịch bắt đầu làm cánh quạt, dán giấy kiếng và trang trí cho đèn.

Khung ngoài của đèn kéo quân được làm bằng tre đã qua công đoạn xử lý nhằm tránh mối mọt.  Đèn kéo quân có thể làm theo hình lục giác hoặc bát giác, bằng cách ghép các thanh tre lại thành khung thô ban đầu, tiếp đến cân bằng các góc cạnh và dùng dây dù để cố định các góc và cuối cùng là dán giấy bóng kiếng. Lồng quay bên trong được làm bằng giấy kiếng, trên giấy kiếng dán các hình vẽ có chủ đề khác nhau như múa lân, múa rồng, đám cưới chuột, vinh quy bái tổ, 12 con giáp, trò chơi dân gian... Phần quan trọng nhất của đèn là bộ lõi làm cho lồng đèn quay. Chính giữa đèn được cố định bằng một cái trục thẳng đứng làm bằng một thanh tre thẳng, vót tròn, sau đó gắn hai kim nhọn ở hai đầu thanh tre để làm trục quay, các cánh quạt bằng giấy được cắt đều và xếp nghiêng lại, tạo độ hở để khi thắp đèn cầy, hơi nóng bay lên làm quay lồng đèn bên trong.

Những chiếc đèn kéo quân lung linh sắc màu của bà Hồng được nhiều khách hàng đặt làm.

Bí quyết của người thợ khi làm đèn kéo quân phải có mắt thẩm mỹ để bày trí, tính toán đối lưu không khí bên trong chiếc đèn sao cho hợp lý, cân bằng. Khi đối lưu không khí cân bằng, ngọn nến được đốt lên, khi có gió thổi qua, chiếc đèn kéo quân tự khắc sẽ quay. "Thắp sáng một chiếc đèn thì đơn giản, nhưng để đèn quay được thì phải tính toán kỹ; nếu tính toán không kỹ thì khi thắp nến đèn sẽ không quay, thậm chí còn bị cháy", bà Hồng cho hay.

Ngày còn nhỏ, các con của bà Hồng phụ mẹ làm phần khung thô của đèn kéo quân. Dần dần mỗi người đều có công việc riêng nên chỉ còn mỗi mình bà thực hiện, do đó bà chỉ nhận làm theo đơn đặt hàng. Trước đây, vào mỗi mùa trung thu, gia đình bà cũng mở quầy bán lồng đèn gần đình Lạc Giao, sau này lớn tuổi, việc đi lại khó khăn nên bà Hồng không đi bán nữa mà làm tại nhà. Giờ đây, mỗi sản phẩm lồng đèn làm ra không chỉ để mưu sinh mà còn là sự tâm huyết, niềm đam mê không thể bỏ được, bà Hồng tâm sự.

Kim Huế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.