Ổn định cuộc sống nhờ nghề dệt truyền thống
Không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, sự ra đời của các tổ hợp tác dệt thổ cẩm còn tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, mang đến thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ gia đình từng bước thoát nghèo.
Vốn là thợ chuyên may trang phục truyền thống của người Êđê, bà H'Nưn Mlô (68 tuổi, buôn Tring, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) có một tình yêu vô tận với những đường nét hoa văn trên từng mảnh vải thổ cẩm.
Nhận thấy nghề dệt ở địa phương đang dần mai một vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm, tháng 9/2019, bà đã mạnh dạn đề xuất, phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường An Lạc thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Tring với mong muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống, đồng thời giúp phụ nữ tại địa phương chủ động phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà H’Nưn Mlô chia sẻ: “Tổ hợp tác gồm có 5 thành viên. Thời gian đầu hoạt động, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn vì sản phẩm thiếu sự đa dạng nên không thu hút được nhiều khách hàng. Bên cạnh đó, đa số chị em đều không thông thạo công nghệ, chưa thể tiếp cận được với nhiều người tiêu dùng”.
Nắm bắt được tình hình đó, Hội LHPN phường An Lạc đã chủ động tổ chức hướng dẫn cho thành viên trong tổ hợp tác dùng mạng xã hội để kết nối kinh doanh; đồng thời hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại gian hàng trong các ngày hội, cuộc thi… nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bà H'Nưn Mlô (bên phải) hướng dẫn xã viên dệt vải thổ cẩm. Ảnh: T. Thảo |
Gắn bó với nghề dệt hơn 20 năm nhưng bà H'Ngueh Niê (66 tuổi), thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Tring vẫn chật vật trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Có những lúc khó khăn, tưởng chừng như bà phải bỏ nghề tìm một công việc khác để trang trải cuộc sống. Được Hội LHPN phường An Lạc động viên hỗ trợ, bà đã quyết định tham gia vào tổ hợp tác. “Từ khi tham gia vào đây, mỗi tháng tôi có thể bán được từ 7 - 10 sản phẩm. Đây cũng là nguồn động lực để tôi tiếp tục duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm”, bà H'Ngueh Niê tâm sự.
Sau hơn 5 năm nỗ lực duy trì, bà H’Nưn Mlô đã phát triển Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Tring thành Hợp tác xã dịch vụ - kinh doanh nghề truyền thống buôn Tring, chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê như áo, váy nam - nữ, túi xách, ví, khăn trải bàn, gối tựa lưng, móc khóa… Đến nay, các sản phẩm này đã có mặt tại nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm trên địa bàn tỉnh với giá bán từ 100.000 – 2 triệu đồng/sản phẩm và mang lại thu nhập cho mỗi thành viên từ 4 – 5 triệu đồng/tháng.
Theo học nghề dệt thổ cẩm, chị H’Úc Êban (42 tuổi, buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) đã có nguồn thu nhập ổn định, bên cạnh đó, chị còn truyền lửa cho mọi người trong buôn, vừa giúp họ vươn lên thoát nghèo, vừa góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của người Êđê.
Chị H’Úc Êban cho biết, những năm trước, cuộc sống của gia đình chị vô cùng khó khăn, kinh tế eo hẹp, thu nhập chủ yếu từ việc làm thuê. Qua tham gia sinh hoạt tại chi hội nông dân buôn Sút M’đưng, chị được giới thiệu theo học lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho lao động nông thôn do địa phương tổ chức. Trong 3 tháng học nghề, bên cạnh những cách dệt cơ bản truyền thống, chị còn được trang bị thêm kỹ thuật phối màu, pha vải, từ đó làm ra những sản phẩm đẹp và đa dạng hơn.
Sản phẩm của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Sút M’đưng được nhiều khách hàng ưa chuộng nhờ màu sắc và hoa văn đặc sắc. Ảnh: T. Thảo |
Tháng 10/2022, chị đã cùng các lao động nữ có tay nghề trong buôn thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Sút M’đưng với 35 thành viên. Sự ra đời của tổ hợp tác đã giúp nhiều chị em đang sinh sống trong buôn có việc làm ổn định.
Tham gia tổ hợp tác, các thành viên đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với nhau để cho ra sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Chị H’Đao Êban (39 tuổi), thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Sút M'đưng bày tỏ: “Tôi thường xuyên được chị H’Úc chia sẻ kinh nghiệm thiết kế hoa văn trên sản phẩm với những hình dạng và màu sắc độc đáo nhưng vẫn không làm mất đi nét đặc trưng của bộ trang phục truyền thống. Từ sự sáng tạo đó, sản phẩm đã nhận được sự yêu thích và ủng hộ của khá nhiều khách hàng”.
Hiện mỗi tháng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Sứt M’đưng có thể đưa ra thị trường từ 200 – 300 sản phẩm, có giá bán từ 200.000 – 2,5 triệu đồng/sản phẩm. Trong tương lai, chị H’Úc Êban hy vọng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương để sản phẩm có cơ hội được giới thiệu tại các điểm du lịch, hội chợ, cơ sở kinh doanh trong và ngoài huyện; tạo động lực cho mọi người tiếp tục duy trì, phát huy ngành nghề truyền thống.
Thu Thảo – Giang Nga
Ý kiến bạn đọc