Multimedia Đọc Báo in

Đưa trí tuệ nhân tạo vào trường học, nên chăng?

05:25, 27/10/2024

Nên hay không nên sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong trường học, cách nào hướng dẫn trẻ dùng AI học hành đúng cách?

Thầy Võ Ngọc Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, tin học hóa, số hóa… là những khái niệm đang tiếp tục được vận dụng trong ngành giáo dục địa phương nhằm cải thiện tốt hơn môi trường dạy và học. Với các học sinh THCS ở tuổi tìm tòi, hiếu động thì cơ hội tiếp cận các thành tựu công nghệ số, đặc biệt về AI là rất cần thiết. Nhưng việc tiếp cận đó, phải có phương pháp.

Cần thích ứng sẵn sàng

Có thể thấy, thời đại công nghệ số đang đẩy nhanh mức thích ứng của mọi người với các công cụ số, thành quả khoa học, biết cách sử dụng vào cuộc sống sinh hoạt và lao động của mình để có kết quả tốt hơn. Trong đó, AI là biểu hiện tích hợp số hóa với dữ liệu lớn, trở thành giải pháp ứng dụng số thông minh, giúp xã hội tiến triển nhanh hơn.

Cho nên, việc ứng dụng AI vào cuộc sống, đặc biệt với mảng giáo dục sẽ có thể tạo những đột phá bất ngờ. Đây là lý do mà ngành giáo dục Việt Nam lấy chuyển đổi số làm trọng yếu để nâng cao chất lượng dạy và học.

Với tinh thần đó, với những vấn đề mới như xem xét ứng dụng AI vào quá trình dạy và học, tiếp cận số hóa và tiếp cận AI trong định hướng, điều chỉnh hành vi học sinh phải được ngành giáo dục đặt ra. Đội ngũ thầy cô giáo phải tìm hiểu, nghiên cứu những giải pháp công nghệ AI để kịp thời phối hợp với cha mẹ học sinh đánh giá, xác nhận đúng vấn đề nên để trẻ sử dụng AI thế nào, chứ không phải né tránh, bỏ mặc hoặc kịch liệt phủ nhận.

Thay vì dùng AI vào những dữ liệu có sẵn, cần khích lệ, cổ vũ học sinh biết cách đặt ra những câu hỏi, vấn đề, mới mẻ và mở rộng. Ảnh: Internet

Theo các chuyên gia, về bản chất, AI chỉ là công cụ thông minh hơn, chứ không thể thay thế cho lao động của con người, đặc biệt là lao động trí tuệ sáng tạo. Trình độ công nghệ AI đến nay chỉ thay thế con người làm những phần việc lặp đi lặp lại, tra cứu tổng hợp và đưa ra những kết quả dữ liệu tổng hợp nhanh hơn. Do đó, hướng dẫn cho trẻ biết cách vận dụng, sử dụng AI vào việc học tập, kích thích những vấn đề, môi trường sáng tạo, tư duy mở rộng hơn là rất cần thiết.

Sáng tạo tìm tòi mà không lạm dụng

Thầy Võ Ngọc Nam chia sẻ, AI cũng như những giải pháp công nghệ khác nên được giới trẻ, gồm cả học sinh, tiếp cận để giúp kích thích, phát triển sáng tạo tìm tòi, chứ không nên lạm dụng.

Đơn cử, có nhiều thông tin lan tỏa trên các mạng xã hội là tình trạng nhiều học sinh, sinh viên (kể cả ở các nước phát triển Âu Mỹ) dùng phần mềm AI làm các bài tập, xây dựng các kế hoạch, kịch bản làm việc… Không một nền giáo dục nào chấp nhận việc đối phó như vậy, bởi kho dữ liệu câu hỏi, bài tập, đề thi… đều đã số hóa từ lâu, đã có hàng triệu lần giải mã, cho đáp số. Dùng AI làm những bài tập ấy chỉ là truy xuất, chọn ra kết quả đúng nhất trong hàng vạn bài toán đã làm.

Cho nên, một học sinh dùng ChatGPT làm xong phần bài tập toán cô giáo đưa ra là một lựa chọn phản khoa học, khiến trẻ bị ỷ lại vào kết quả đã có, phụ huynh thỏa hiệp theo sẽ làm chính con trẻ không thuộc được bài học, kiến thức cần có. “Tư duy của trẻ sẽ không thể có “nếp rãnh” trong não bộ để biết phân tích đúng sai, tự tìm ra câu trả lời. Cứ đi theo cách sử dụng AI như vậy, trẻ trở thành lệ thuộc và hoàn toàn thụ động, mất tư duy độc lập của mình”, một chuyên gia tư vấn giải thích.

Theo thầy Nam, đây là lý do để nhiều giáo viên, nhà trường phản đối dùng AI vào môi trường học tập. Tuy nhiên, phản ứng như vậy lại là tiêu cực, đi ngược lại xu hướng cần thiết của ứng dụng số hóa. Cách xử lý đúng là thay vì dùng AI vào những câu chuyện lệ thuộc dữ liệu có sẵn, cần khích lệ, cổ vũ học sinh biết cách đặt ra những câu hỏi, vấn đề, mới mẻ và mở rộng ra, thoát khỏi phạm vi những câu hỏi, bài tập truyền thống. Một khi trẻ đặt những câu hỏi mới, phù hợp với thực tế đang diễn ra nhằm tìm hướng giải đáp tình huống, vấn đề phải giải quyết thì công cụ AI sẽ được sử dụng hợp lý, tự động “nâng cấp” được chất lượng dữ liệu trả lời. Qua đó, trẻ sẽ có được hướng phát triển vấn đề, chủ động đề xuất được giải pháp hợp lý, thông minh và hiệu quả hơn.

Khi chúng ta dùng AI, chúng ta dùng một kho tàng dữ liệu khổng lồ phía sau để thay đổi câu trả lời của chúng ta, đưa ra những phán đoán, hướng suy luận khác đi cách nghĩ, cách làm đã có. Đây là đòi hỏi của chính các nhà nghiên cứu phát triển AI: làm sao để bộ não nhân tạo đáp ứng được tốt nhất những vấn đề của con người và vì con người? Học tập, ứng dụng AI trên tinh thần này là cách để giáo dục tốt hơn và hiệu quả thích ứng với hướng chuyển đổi số, tích hợp AI tốt hơn.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.