Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

08:07, 23/10/2024

Thông qua việc trao sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), Dự án "Chăm sóc sức khỏe ban đầu” do Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột quản lý đã giúp nhiều phụ nữ DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Năm 1996, Dự án "Chăm sóc sức khỏe ban đầu” (gọi tắt là Dự án) do Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ vốn vay 350 triệu đồng cho 6 buôn DTTS của xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) gồm: buôn Jù, Kmrơng Prong A, Kmrơng Prong B,  Ea Nao A, Ea Nao B và Kô Tam.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột Phạm Khánh Quyên cho biết, khi mới thực hiện, Dự án nhằm chăm sóc, hỗ trợ ban đầu về sức khoẻ cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn là người DTTS với các hoạt động như: xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, quỹ học đường (cho con cái)…

Theo thời gian, căn cứ vào nhu cầu thực tế của người dân, Dự án dần chuyển qua hình thức cho vay vốn để phát triển kinh tế. Số tiền vay ở mức 10 - 15 triệu đồng/người, thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng. Nếu quá thời hạn vay mà các hộ vẫn chưa thoát khỏi khó khăn thì được đáo hạn để tiếp tục đầu tư sản xuất. Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột phối hợp cùng chính quyền xã Ea Tu giám sát chặt chẽ hoạt động của Dự án bảo đảm đúng mục đích, quy định, đúng đối tượng.

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột và Ban quản lý Dự án "Chăm sóc sức khỏe ban đầu” xã Ea Tu thăm mô hình phát triển kinh tế của người dân được vay vốn từ Dự án.

Ban đầu, người dân còn e ngại không dám vay vốn nên cán bộ của Ban Quản lý Dự án phải tiên phong vay phát triển sản xuất, chăn nuôi. Như bà H’Soang Kbuôr, cán bộ tín dụng xã Ea Tu đã tiên phong vay để đầu tư phát triển cà phê, sầu riêng, mang lại thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Từ đó đã tạo niềm tin, giúp chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Trong quá trình thực hiện, hầu hết các thành viên sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đúng quy định. Cùng với vay vốn, các hộ được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để áp dụng mang lại hiệu quả. Từ những hộ nghèo, hộ khó khăn, giờ đây, các chị em từng được vay vốn của Dự án đều đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Như trường hợp bà H’DLit Êban (buôn Kô Tam) có hoàn cảnh khó khăn, một mình bà phải bươn chải nuôi 3 người con của chị gái đã mất. Năm 2015, bà H’DLit được vay 15 triệu đồng từ Dự án để phát triển chăn nuôi. Ban đầu, bà mua một con bò giống, sau khoảng 3 năm, nhờ bò sinh sản đều đặn, bà đã trả hết số nợ vay. Tuy vậy, cuộc sống vẫn còn khó khăn nên bà tiếp tục xin được vay từ đó đến nay để đầu tư mở rộng chăn nuôi.

Bà H’DLit chia sẻ: "Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay của Dự án, tôi đã có tiền mua con giống, mỗi năm có được một khoản tiền vốn từ việc bán bò, tôi tiếp tục phát triển thêm chăn nuôi dê, tận dụng nguồn phân chuồng để chăm sóc cà phê, đầu tư trồng sầu riêng trên 1 ha đất của gia đình. Đến nay, sau gần 10 năm được hỗ trợ vốn vay đều đặn, từ việc chăn nuôi đàn bò và dê, cộng với khoản thu từ sầu riêng, cà phê, thu nhập của gia đình đã đạt gần 400 triệu đồng/năm".

Được vay vốn từ Dự án "Chăm sóc sức khỏe ban đầu”, bà H’ DLit Êban đã đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, vươn lên thoát nghèo.

Sau gần 28 năm thực hiện và duy trì hiệu quả, Dự án đã góp phần cải thiện cuộc sống và nâng cao nhận thức về sức khỏe cũng như phát triển kinh tế cho người dân tại 6 buôn đồng bào DTTS tại xã Ea Tu. Trong đó, từ nguồn vốn vay của Dự án mua 28 con bò sinh sản và 17 con dê mẹ ban đầu trao cho các hộ nuôi, đàn bò, đàn dê đã sinh sản và phát triển tốt, nâng tổng số đàn bò lên 68 con, đàn dê lên 62 con. Bên cạnh đó, Dự án mở rộng cho vay chăm sóc cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Thời gian tới, Ban Quản lý Dự án sẽ tiếp tục quản lý hiệu quả nguồn vốn, tiến hành rà soát, tìm hiểu nhu cầu của người dân để luân chuyển nguồn vốn đến những hộ khó khăn, mở rộng đối tượng cho vay, từ đó trao cơ hội cho thêm nhiều hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, bà Phạm Khánh Quyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột cho biết.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.