Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y học cổ truyền

05:49, 29/10/2024

Những năm gần đây, hiệu quả của công tác khám và điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh được nâng lên rõ rệt nhờ áp dụng linh hoạt phương pháp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.

Trải qua 9 tháng điều trị các di chứng sau tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, sức khỏe của ông L.V.T. (60 tuổi, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đã tiến triển tích cực. Sau một cơn đột quỵ, ông T. chịu di chứng yếu nửa người, vận động cầm nắm khó khăn, không đi lại được, nói ngọng, nói khó.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, hằng ngày, ông T. được các y bác sĩ hướng dẫn phục hồi chức năng theo từng giai đoạn như: tập đi đứng, vận động chân tay, kết hợp với điện châm, xoa bóp bấm huyệt vùng đầu, mặt, chiếu đèn, điện xung, ngâm thuốc… Đến nay ông T. đã có thể đi lại được.

Bác sĩ kiểm tra chức năng vận động cho người bệnh sau điều trị tai biến tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Đăng Anh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết, những năm qua, bệnh viện tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua việc tiếp cận các phương pháp mới, kỹ thuật mới, phối hợp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc, bằng phục hồi chức năng. Đến nay, bệnh viện ứng dụng các kỹ thuật y học hiện đại tiên tiến như: cắt trĩ bằng máy, sử dụng laser, điện từ trường, sóng ngắn, tần phổ, hồng ngoại, sóng xung kích, xoa bóp áp lực hơi trong điều trị.

Với gần 200 viên chức và người lao động làm việc tại 13 khoa, phòng, Ban Giám đốc Bệnh viện đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, y bác sĩ cả về trình độ chuyên môn và y đức. Bệnh viện duy trì thực hiện quy chế chuyên môn sinh hoạt khoa học kỹ thuật, bình bệnh án, hội chẩn bệnh nhân nặng, bệnh nhân tiến triển chậm, điều trị kéo dài; bình phiếu chăm sóc, hoạt động của hội đồng thuốc để từ đó ghi nhận kịp thời các ý kiến phản ánh của người bệnh. Đồng thời, bệnh viện cũng cử đội ngũ bác sĩ đến các bệnh viện tuyến trên như: Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh... để học tập bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Đến nay, cơ sở vật chất tại bệnh viện ngày càng được mở rộng, quy mô giường bệnh nâng từ 250 giường bệnh lên 310 giường bệnh, số giường thực kê hiện tại trên 400 giường.

Trong 9 tháng năm 2024, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tiếp nhận 18.228 lượt bệnh nhân, tăng 142 lượt so với cùng kỳ năm 2023; bệnh nhân điều trị nội trú là 7.658 lượt, tăng 1.346 lượt so với cùng kỳ; tỷ lệ đáp ứng sự hài lòng của người bệnh đạt trên 95%.

Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh áp dụng phương pháp laze nội mạch điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trịnh Đăng Anh, hiện tại, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện ngày càng đông, trong khi diện tích xây dựng bệnh viện ban đầu quy mô chỉ với 100 giường bệnh nên vẫn còn tình trạng nằm đôi, nằm ghép, gây ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và tâm lý của người bệnh.

Trong khi đó, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị đa số là bệnh mạn tính, bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân mắc cùng lúc nhiều mặt bệnh nên tỷ lệ nhập viện điều trị nội trú luôn tăng hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Mặt khác, công tác đấu thầu thuốc tại bệnh viện trong 9 tháng năm 2024 vẫn không thực hiện được khiến bệnh viện vẫn trong tình trạng không có vị thuốc phục vụ nhu cầu điều trị và công tác sản xuất tại khoa dược.

Việc đấu thầu tập trung mua sắm thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 đến nay cũng không thể thực hiện được do nhiều nguyên nhân, dẫn đến bệnh viện thiếu máy móc, trang thiết bị y tế mới, hiện đại để bổ sung phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Đó là một trong những rào cản lớn, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Minh Khang


Ý kiến bạn đọc