Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng y học cổ truyền trong điều trị bệnh tiểu đường

08:18, 11/11/2022

Chẩn đoán bệnh, điều trị cấp cứu vốn là thế mạnh của y học hiện đại, song đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính hoặc bị di chứng do tai biến thì các phương pháp điều trị theo y học cổ truyền lại rất hữu ích.

Xu hướng điều trị y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền ngày càng được nhiều bệnh nhân lựa chọn, đặc biệt các bệnh liên quan đến nội tiết, chuyển hóa đã mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình điều trị.

Tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra hàng loạt biến chứng liên quan đến tim mạch, thần kinh, thận, mắt… khiến người bệnh phải đối mặt với những hậu quả khôn lường về sức khỏe và tính mạng. Trong thập kỷ qua, số lượng người mắc tiểu đường trên thế giới tăng nhanh. Việt Nam thuộc nhóm nước có số người bệnh tăng nhanh nhất, đặc biệt ở người trẻ. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người bị tiểu đường, gấp 10 lần so với 10 năm trước đây và dự báo con số này sẽ tăng lên 6,1 triệu người vào năm 2040. Trong 10 năm, tỷ lệ tiền tháo đường cũng tăng từ 7,7% lên 14%.

Hiện nay, rất nhiều bệnh nhân bị tiểu đường lâu năm đã lựa chọn y học cổ truyền để điều trị những biến chứng do bệnh gây ra sau quá trình điều trị bằng tây y. Trung bình mỗi năm Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh khám và điều trị cho khoảng 1.450 lượt bệnh nhân mắc tiểu đường. Người bệnh đa phần mắc bệnh tiểu đường kèm thêm các bệnh lý khác như: tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, các bệnh lý về cơ xương khớp. Bệnh nhân khi đến đây thường đã có rất nhiều biến chứng, gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống. Nhờ được sự hỗ trợ tích cực từ các y, bác sĩ, sau liệu trình điều trị sức khỏe của nhiều bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tiểu đường kèm tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Điển hình như trường hợp của ông Hoàng Đức Sảng (trú thôn 5, xã Krông Á, huyện M’Drắk) đang điều trị nội trú bệnh tiểu đường và phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ông Sảng mắc bệnh tiểu đường từ năm 2015, biến chứng tê bì chân tay. Đầu năm 2022, ông bị thêm tai biến mạch não làm liệt nửa người. Sau khi điều trị ổn định bằng tây y, ông kết hợp thêm điều trị bệnh tiểu đường và phục hồi chức năng sau tai biến bằng y học cổ truyền, tình trạng sức khỏe hiện ổn định hơn rất nhiều, ông Sảng đã chống gậy đi được và tự vệ sinh cá nhân. Hay như ông Hồ Mười (trú thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) bị tiểu đường gây biến chứng mắt mờ, méo miệng. Kết hợp điều trị y học cổ truyền gồm các liệu trình châm cứu, mát xa mặt, xông ngải cứu, bó thuốc, đến nay tình trạng sức khỏe của ông đã được cải thiện đáng kể.

Bác sĩ CKI Phạm Ngọc Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết, đường máu là nguồn năng lượng chính của cơ thể, là nguồn nhiên liệu cực kỳ quan trọng cần thiết cho tế bào thần kinh và tế bào não. Vì vậy, việc tăng hay giảm đường máu đều ảnh hưởng tới nhiều cơ quan, bộ phận quan trọng trên cơ thể. Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường thường sẽ có 4 chứng điển hình là: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu tiện nhiều và gầy sút nhiều. Người bệnh sẽ ăn nhiều, mau đói, mệt mỏi; bệnh nhân khát nhiều, môi khô, ngứa ngoài da; sụt cân nhanh, dễ nhiễm nấm và các nhiễm trùng khác; các vết cắt, vết thương ngoài da lâu lành; mắt nhìn mờ; tê bì và mất cảm giác.

Quan điểm của y học cổ truyền trong điều trị tiểu đường là điều trị một cách toàn diện bởi vì coi thân thể là một thể thống nhất. Khi bệnh nhân nhập viện điều trị, các bác sĩ sẽ thăm khám kỹ và xác định thể bệnh theo y học cổ truyền; sau đó tùy từng thể bệnh mà xác định phương pháp điều trị phù hợp.

Theo bác sĩ Liễu, người bị bệnh tiểu đường cần quan tâm tới 3 yếu tố, đó là về chế độ ăn uống, chế độ tập luyện và chế độ dùng thuốc. Về chế độ ăn uống, người bệnh không được ăn chất ngọt có trong đường tinh luyện, đường kính, bánh kẹo, nước ngọt có gas. Nên dùng đường có trong trái cây. Xét nghiệm máu xem lượng đường để điều chỉnh lượng tinh bột cho phù hợp. Về chế độ tập luyện, nên luyện tập 30 phút/ngày để tiêu hao bớt năng lượng hoặc tập 150 phút/tuần, hoặc 3 ngày/tuần, từ chế độ luyện tập đó sẽ giúp cân bằng lượng đường cho người bệnh. Về chế độ dùng thuốc, bệnh nhân phải tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc và không được bỏ điều trị.

Khi điều trị bằng đông y, để đạt hiệu quả điều trị, người bệnh nên sử dụng kiên trì, đều đặn. Thông thường, tác dụng từ thảo dược đông y sẽ chậm hơn thuốc tây, người bệnh cần sử dụng trong thời gian dài mới có hiệu quả tốt nhất. Thời gian trung bình cho một liệu trình là từ 3 - 6 tháng.

Võ Quỳnh – Quang Nhật


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.