Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao nhận thức, năng lực về bình đẳng giới

09:03, 20/10/2024

Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã triển khai nhiều hoạt động bảo đảm quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh NGUYỄN THỊ THU.

* Thưa bà, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh thời gian qua tập trung vào những nội dung nào?

Hội LHPN tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu công tác cán bộ nữ, vai trò chủ trì trong thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu.

Về lĩnh vực chính trị, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy tổ chức đối thoại với cán bộ nữ; phối hợp tổ chức các hội thảo: “Giải pháp nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, lãnh đạo, quản lý”, “Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; giám sát, phản biện xã hội và công tác cán bộ nữ, phát triển đảng viên nữ”...

Trong lĩnh vực giáo dục, các cấp hội đã xây dựng chương trình, kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong học tập; phối hợp rà soát thực hiện công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tuyên truyền phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực học đường.

Việc hỗ trợ chị em về kinh tế được triển khai thông qua các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về quản lý, sử dụng nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ nông thôn; triển khai đề án, cuộc vận động, phát động các công trình, đợt thi đua đặc biệt; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

undefinedaPhụ nữ huyện Ea Súp tìm hiểu thông điệp truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình.

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về vị thế, vai trò, quyền của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, hội đã tập trung triển khai hiệu quả các khâu đột phá, các cuộc vận động, dự án liên quan đến lĩnh vực gia đình; gặp mặt biểu dương các gia đình tiêu biểu trên mọi lĩnh vực; xây dựng, nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc.

* Bà có thể nói rõ hơn việc đẩy mạnh các chính sách để tăng cơ hội tiếp cận các nguồn lực xã hội cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh?

Nhằm giúp chị em phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn lực xã hội, Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó đáng chú ý là tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng. Đặc biệt, thông qua Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, hội viên, phụ nữ có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn lực để hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trong đó hỗ trợ cả về tiếp cận vốn và kiến thức liên quan đến lĩnh vực kinh doanh.

Bên cạnh đó, thực hiện Dự án 8, Hội LHPN tỉnh tập trung thực hiện 4 nội dung chính gồm: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; Bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng buôn, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Tổ truyền thông cộng đồng tham gia Giao lưu “Sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024”.

* Truyền thông được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, vậy Hội LHPN đã có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác này, thưa bà?

Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, việc đầu tiên Hội LHPN tỉnh tập trung nhận diện, lựa chọn nội dung tuyên truyền thiết thực, phù hợp đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng hội viên, phụ nữ, đồng thời tăng cường tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng cho cán bộ hội cơ sở làm công tác tuyên truyền.

Song song với việc tuyên truyền các nội dung cơ bản của Dự án 8 trên các trang mạng xã hội, cổng thông tin điện tử của hội, các cấp hội đã sử dụng nhiều hình thức truyền thông phù hợp với các đối tượng hội viên, phụ nữ như thành lập các tổ truyền thông cộng đồng tại khu dân cư, các câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi trong các trường học; tổ chức cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông; giao lưu “Sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới và phòng, chống bạo lực gia đình”…

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng gần 400 mô hình truyền thông, hỗ trợ nâng cao nhận thức, năng lực về bình đẳng giới tại cộng đồng, qua đó đã từng bước thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, những tập tục có hại cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

* Xin cảm ơn bà!

Vân Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Thư ngỏ vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vừa có Thư ngỏ vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Đắk Lắk hưởng ứng Tháng cao điểm "Vì người nghèo" từ ngày 17/10 đến 18/11/2024.