Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao nhận thức về pháp luật lao động:

Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động

09:03, 20/10/2024

Để giúp người lao động (NLĐ) nâng cao nhận thức về pháp luật, hiểu đúng về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình để xây dựng mối quan hệ ổn định, hài hòa tại đơn vị, doanh nghiệp, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh, đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đang quản lý 15 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, 6 công đoàn ngành địa phương với 1.804 công đoàn cơ sở (CĐCS), 79.977 đoàn viên công đoàn; trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh 381 CĐCS với 25.440 đoàn viên.

Ở nhiều nơi, nhiều NLĐ chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc học tập, tự tìm hiểu về pháp luật lao động và Luật Công đoàn; điều này đã tác động đến thói quen tuân thủ, thực hiện, sử dụng quyền và nghĩa vụ pháp lý, nhất là hạn chế việc tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân.

Trước yêu cầu đó, LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn đã đổi mới, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền theo phương châm hướng mạnh về cơ sở; đồng thời, thực hiện thường xuyên như một giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Lãnh đạo các sở, ngành và Liên đoàn Lao động tỉnh gặp gỡ, tuyên truyền pháp luật đến doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Hòa Phú.

Theo đó, công tác tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức từ tài liệu, panô, tờ gấp, sổ tay tuyên truyền bỏ túi... đến các hội nghị, đối thoại, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; đồng thời, tuyên truyền pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội; tủ sách pháp luật...

Đơn cử như cuối tháng 9 vừa qua, tại Khu Công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các đơn vị như Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, Công an tỉnh tổ chức chương trình tuyên truyền pháp luật lao động cho đoàn viên, NLĐ thuộc các doanh nghiệp.

Theo đó, NLĐ được tìm hiểu, trao đổi, giải đáp những thông tin về pháp luật như: Pháp luật lao động và công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Luật An toàn vệ sinh lao động...

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về phòng, chống ma túy, tội phạm và các tệ nạn xã hội; tác hại của việc hút thuốc lá…

Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của NLĐ và người sử dụng lao động, bởi có hiểu biết pháp luật thì NLĐ mới ý thức chấp hành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, không vi phạm các quy định của pháp luật hay bị đối tượng xấu lừa đảo... Không những thế còn hạn chế tình trạng tranh chấp lao động trong mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp với NLĐ.

Chị Trần Thị Quỳnh Như (công nhân Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk) chia sẻ: “Bấy lâu nay, dù đi làm ở công ty nhưng tôi cũng không chú ý, không nắm rõ các chế độ cũng như quyền lợi của mình; đặc biệt, trước sự việc một số đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài khoản cá nhân, lừa vay nợ với lãi suất cao... tôi vẫn không biết cách để phòng ngừa cũng như xử lý khi gặp phải. Do đó, sau khi tham gia buổi tuyên truyền, đối thoại đã giúp ích cho tôi cũng như anh chị em công nhân rất nhiều. Trong đó, chúng tôi hiểu rõ về quyền lợi của mình để sẵn sàng lên tiếng nếu như công ty thực hiện sai chính sách hay việc tránh bị lừa đảo trên không gian mạng”.

Cán bộ Công an tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn người lao động cách phòng chống lừa đảo qua mạng xã hội.

Mới đây, trên 150 cán bộ CĐCS cùng NLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc đã được LĐLĐ tỉnh phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, phổ biến một số chính sách pháp luật như: nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, chủ sử dụng lao động được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019; công tác thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là các điểm mới của Luật BHXH trong năm 2024 vừa được Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV thông qua; thông tin về việc cập nhật số căn cước công dân/định danh cá nhân làm cơ sở thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Lý chia sẻ, công đoàn đặc biệt quan tâm việc tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật cho đoàn viên, NLĐ trong các doanh nghiệp. LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn, thu hút được đông đảo đoàn viên, NLĐ tham gia. Nội dung tuyên truyền được soạn thảo ngắn gọn, phù hợp và thiết thực để NLĐ dễ nghe, dễ hiểu và dễ tiếp thu nhất. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cũng được đổi mới theo hướng cung cấp những nội dung cơ bản, sát sườn về chính sách đối với NLĐ; sau đó dành thời gian cho NLĐ đặt câu hỏi và tập trung giải đáp những thắc mắc của nhóm đối tượng này.

Có thể nói, những nỗ lực và kết quả đạt được của các cấp công đoàn trong thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã và đang góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống, giúp đoàn viên, NLĐ thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia làm việc ở các doanh nghiệp, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định cùng phát triển.

Các công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp duy trì và bổ sung 1.650 “Tủ sách pháp luật” với 259.000 cuốn sách (chiếm tỷ lệ 90% trên tổng số các cơ quan, đơn vị); trong đó, có 214 doanh nghiệp đã trang bị “Tủ sách pháp luật”.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.