Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ

08:17, 08/11/2024

Với nhiều hoạt động tuyên truyền đa dạng, phong phú, cách làm sáng tạo, nội dung phù hợp từng địa bàn, đối tượng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

Phát huy vai trò tổ truyền thông cộng đồng

Chi hội phụ nữ buôn Cư Ana Săn, xã Ea Sô (huyện Ea Kar) có 99% hội viên là người dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Phần lớn chị em còn hạn chế về kiến thức pháp luật ở nhiều lĩnh vực, vẫn còn tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, trọng nam khinh nữ…

Năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã chọn buôn Cư Ana Săn làm điểm để thành lập tổ truyền thông cộng đồng với 7 thành viên gồm đại diện cấp ủy, tự quản, thôn đội trưởng, Mặt trận và các đoàn thể buôn. Các thành viên đã được Hội LHPN tỉnh tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, cách thức hoạt động nên bước đầu đã phát huy vai trò nòng cốt tại cộng đồng dân cư.

Cán bộ Hội LHPN xã Ea Sô (huyện Ea Kar) phát tờ rơi, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho thành viên Tổ truyền thông cộng đồng buôn Cư Ana Săn.

Chị Bàn Thị Tuyết (dân tộc Dao), Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Cư Ana Săn cho biết, tổ truyền thông cộng đồng buôn đã phát triển lên 10 thành viên, tập trung lồng ghép tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, an toàn giao thông… cho hội viên. Nhờ vậy, chị em cũng nắm bắt được các quyền của mình trong gia đình, chủ động hơn trong các hoạt động xã hội, vận động con em không vi phạm pháp luật, giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm.

 

“Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, tích cực, hiệu quả đã giúp cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân nâng cao kiến thức cơ bản về pháp luật, có ý thức tìm hiểu, chấp hành pháp luật và sử dụng quyền của mình để tham gia vào các hoạt động xã hội, kiềm giảm các tệ nạn, hủ tục, góp phần giữ gìn an ninh trật tự địa phương” - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu.

Không chỉ buôn Cư Ana Săn, với mục tiêu “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Dự án 8 của Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”, đến cuối năm 2023, các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh đã thành lập 330 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” (đạt 105,7% chỉ tiêu đề ra), trong đó có 10 mô hình chỉ đạo điểm của tỉnh và 174 mô hình “Địa chỉ tin cậy”.

Bên cạnh các hoạt động, sinh hoạt định kỳ, các mô hình này còn khéo léo truyền tải thông điệp, kiến thức pháp luật, cách thức xử lý những tình huống thường ngày bằng hình thức sân khấu hóa qua việc tham gia các hoạt động của hội tổ chức như: hội thi phụ nữ DTTS tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới; giao lưu sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới và phòng, chống bạo lực gia đình; liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS.

Đa dạng hóa các hoạt động

Là thành viên của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, những năm qua, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội chú trọng theo dõi, nắm bắt tình hình cũng như tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, Tỉnh hội phối hợp tổ chức tập huấn pháp luật, kiến thức, kỹ năng tham gia giải quyết các vụ xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em, các hội nghị tư vấn pháp luật lồng ghép với phiên tòa giả định về phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em…

Trên cơ sở đó, các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp; tham mưu thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội và đối thoại với người đứng đầu địa phương; thành lập, duy trì nhiều mô hình, câu lạc bộ, địa chỉ tin cậy, tổ, đội, nhóm phụ nữ với pháp luật, thu hút cả nam giới, các cặp vợ chồng và em gái tuổi vị thành niên cùng tham gia.

Liên hoan các mô hình truyền thông cộng đồng do Hội LHPN huyện Ea Kar tổ chức năm 2024.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) hằng năm và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (tháng 11), Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các chiến dịch truyền thông tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm tập trung tuyên truyền các luật: Hôn nhân và Gia đình; Phòng, chống bạo lực gia đình; Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; Bình đẳng giới; An toàn giao thông; Vệ sinh an toàn thực phẩm…; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tệ nạn xã hội.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu cho biết, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, tận dụng ưu thế của mạng xã hội trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho phụ nữ. Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề, hội thảo góp ý các dự thảo luật, hội thi thiết kế các sản phẩm truyền thông, sáng tác các panô truyền thông; đặc biệt là gắn công tác tuyên truyền pháp luật với các hoạt động an sinh xã hội, huy động nguồn lực tặng quà, học bổng, hỗ trợ xây dựng các công trình thắp sáng đường quê… tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.