Tập huấn nghiệp vụ công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ
Sáng 5/11, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam khai mạc Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Hà; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh; cán bộ làm công tác bình đẳng giới thuộc các bộ, ban, ngành và sở LĐ-TB&XH một số tỉnh, thành trên cả nước.
Đại biểu tham dự hội nghị tập huấn. |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Việt Nam là một trong số các quốc gia có khung pháp luật và chính sách khá toàn diện để thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thúc đẩy bình đẳng giới được coi là một trong các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và ngày càng được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả.
Sau 17 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ, nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực. Mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được gắn kết, củng cố.
Đến cuối năm 2023, có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt một phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn. |
Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn những thách thức như: Những định kiến giới vẫn tồn tại khá phổ biến trong xã hội và được coi là rào cản lớn nhất để xóa bỏ bất bình đẳng giới; bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật và việc thi hành chính sách; bộ máy làm công tác bình đẳng giới vẫn còn thiếu; chưa có các số liệu có phân tách giới.
Đặc biệt có những địa phương hằng năm không có thông tin báo cáo về số lượng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh có lồng ghép giới.... Điều này dẫn đến việc tồn tại các khoảng cách giới, trong đó phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương hơn và đòi hỏi các giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo cơ hội tham gia, đóng góp và thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh phát biểu tại hội nghị. |
Tại tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với một số kết quả nổi bật. Tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 29%; tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu nông nghiệp trên tổng số lao động nữ có việc làm là trên 59%; tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 27%. Trên 90% phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Công chức, viên chức nữ được tuyển dụng chiếm tỷ lệ cao (đạt 50% tổng số tuyển dụng). Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng công chức, viên chức nữ được quan tâm, chú trọng…
Trong thời gian 2 ngày (từ 5 - 6/11), đại biểu tham dự hội nghị được truyền đạt các nội dung: Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch; tổng quan kết quả triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; công tác truyền thông về bình đẳng giới trong bối cảnh chuyển đổi số và một số vấn đề mới về bình đẳng giới...
Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới nâng cao kiến thức, kỹ năng liên quan trong công tác tham mưu, xây dựng và lồng ghép các nội dung, vấn đề bình đẳng giới trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các chương trình, đề án phát triển kinh tế hằng năm và giai đoạn 2026-2030 tới đây.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc