Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa giáo dục mầm non:

Hiệu quả từ sự đồng hành của đồng bào Công giáo

08:08, 01/11/2024

Những năm qua, các trường mầm non tư thục do đồng bào Công giáo đầu tư xây dựng và vận hành đã trở thành những điểm sáng trong chủ trương xã hội hóa giáo dục tại Đắk Lắk. Không chỉ giảm áp lực cho hệ thống trường công lập, các trường này còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh và trẻ em.

Mỗi sáng sớm tại Trường Mầm non tư thục Họa Mi (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột - Tu viện Nữ vương Hòa Bình phụ trách) rộn vang tiếng cười đùa của trẻ nhỏ, hòa cùng tiếng nhạc thiếu nhi vui nhộn trong khuôn viên trường xanh mát, sân chơi rộng rãi, sạch sẽ. Các phụ huynh khi bước vào trường đều cảm nhận được sự thân thiện, ân cần từ đội ngũ giáo viên là các nữ tu.

Chị Trần Hồng Hạnh, một phụ huynh có con học tại  Trường Mầm non tư thục Họa Mi chia sẻ: “Tôi hoàn toàn yên tâm khi gửi con ở đây. Các cô giáo không chỉ thân thiện mà còn rất nhiệt tình trong việc dạy bé biết tự lập và hiểu biết về cuộc sống”. Sự tin tưởng này không chỉ đến từ môi trường học tập mà còn từ tình yêu thương mà các giáo viên dành cho từng trẻ nhỏ.

Cô giáo và các bé Trường Mầm non tư thục Họa Mi vui chơi trong sân trường.

Trường Mầm non tư thục Hoa Cúc (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột - Tu viện Vinh Sơn phụ trách) cũng là địa chỉ tin cậy được đông đảo phụ huynh lựa chọn, gửi gắm con em mình. Chị Phan Thị Bích Đào, có con theo học tại Trường Mầm non tư thục Hoa Cúc bày tỏ: “Trường lớp khang trang, sạch đẹp, sân chơi rộng rãi, thoáng mát, có nhiều đồ chơi khác nhau đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện sức khỏe thể chất của học sinh. Các cô giáo chăm sóc các con tận tình, chu đáo. Đặc biệt, thông qua các tiết học thực hành, vui chơi trải nghiệm và những buổi tham quan, dã ngoại giúp các con có thêm nhiều kỹ năng trong cuộc sống. Mỗi ngày đón con về, thấy con vui vẻ háo hức trò chuyện, tôi rất yên tâm”.

Theo báo cáo của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, đến nay đồng bào Công giáo đã đóng góp kinh phí xây dựng và quản lý vận hành hơn 20 trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở mầm non tư thục này thường xuyên đổi mới và đa dạng các phương pháp giáo dục qua từng năm học, được phụ huynh tin tưởng, lựa chọn và các cấp, ngành chức năng đánh giá cao. Điển hình còn phải kể đến các giáo xứ như: Kim Châu, Vinh Hòa, Vinh Trung (huyện Cư Kuin); giáo xứ Kim Hòa (huyện Krông Ana); giáo xứ Quảng Nhiêu (huyện Cư M’gar)… đã tích cực hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho trẻ em.

Một hoạt động nhóm của các bé lớp lá Trường Mầm non tư thục Họa Mi.

Nữ tu Đặng Thị Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cho biết, các cơ sở giáo dục mầm non của đồng bào Công giáo đều thực hiện nghiêm túc chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% cán bộ quản lý, giáo viên đều đạt chuẩn trình độ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Trẻ học tại các cơ sở này đều được khám sức khỏe định kỳ hằng năm, theo dõi biểu đồ phát triển. Đặc biệt 100% trẻ được ăn bán trú tại trường, lớp. Các trường đều có sân chơi rộng rãi, thoáng mát, có bếp ăn, công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, có phòng y tế, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định; 100% số trường được trang bị máy tính, nối mạng Internet phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ… Nhiều nữ tu là những tấm gương sáng về lòng nhân hậu, đức hy sinh, sự cống hiến âm thầm vì sự nghiệp giáo dục mầm non, được phụ huynh tin yêu, quý trọng.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, sự đồng hành của đồng bào Công giáo trong lĩnh vực giáo dục mầm non không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo ra những giá trị tinh thần quý báu cho cộng đồng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.