Multimedia Đọc Báo in

Đồng bào M’nông Kuênh giữ gìn tiếng nói của dân tộc

08:31, 11/12/2024

Đồng bào dân tộc M’nông Kuênh ở huyện Krông Bông có khoảng 6.500 người, chiếm 6,39% dân số toàn huyện, sống tập trung ở các buôn Hngô A (xã Hòa Phong); buôn Đắk Tuôr, buôn Khanh (xã Cư Pui); các buôn Tul, Mnang Đơng, Tar, Êa Chố, Kiêu, Mnang Dih, Hàng Năm (xã Yang Mao); buôn Krông (xã Ea Trul) và buôn Ja (xã Hòa Sơn).

Trước đây người M’nông chỉ có tiếng nói mà không có chữ viết. Trong quá trình chung sống, giao thoa văn hóa, người M’nông phiên âm tiếng nói của mình theo chữ viết của người Êđê; trong giao tiếp, người M’nông có thể hiểu hết tiếng nói của người Êđê, song người Êđê không hiểu hết các từ vựng của người M’nông, kể cả giữa các cộng đồng M’nông vẫn có nhiều từ khác biệt.

Ông Y Suôm Niê, người uy tín buôn Hngô A, luôn trăn trở việc giữ gìn tiếng nói của dân tộc M'nông Kuênh.

Ông Y Suôm Niê (68 tuổi, người uy tín ở buôn Hngô A, xã Hòa Phong) chia sẻ: Trước đây, đồng bào M’nông Kuênh còn sống ở các buôn riêng biệt, tiếng nói của họ là phương tiện giao tiếp duy nhất. Sau khi vùng 4 – B5 (sau là  H9) được giải phóng, địch tăng cường đánh phá vào các buôn làng, đồng bào phải sơ tán vào những nơi an toàn trong dãy Chư Yang Sin, từ đó có sự giao lưu với đồng bào Êđê. Khi đi học các thầy cũng sử dụng chữ viết của người Êđê để truyền dạy kiến thức cho học sinh (bởi cộng đồng người M’nông chưa có chữ viết). Ngày nay, người M’nông Kuênh không còn sống khép kín theo bon với vài chục nóc nhà, ở theo các họ tộc như xưa mà các bon làng đã có sự hội nhập, với nhiều dân tộc sống xen cư, phần lớn lớp trẻ có điều kiện đi lao động, học tập ở những nơi khác, ngôn ngữ giao tiếp cũng dần dần “Việt hóa” hoặc sử dụng tiếng nói, chữ viết của người Êđê.

Ông Y Nguôm Byă (80 tuổi, dân tộc M’nông Kuênh, ở buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui) từng là giáo viên trong kháng chiến chống Mỹ kể: Trước đây, để dạy cho học sinh hiểu được bài, từ lớp 2 trở lên, mỗi từ tiếng Việt viết lên trên bảng xong, ông viết sang chữ Êđê, sau đó tiếp tục dịch lại bằng tiếng M’nông đọc cho học sinh nghe hiểu. Dù người M’nông không có chữ viết song ông Y Nguôm luôn nhắc nhở bà con khi sinh hoạt trong gia đình hoặc sinh hoạt cộng đồng phải sử dụng tiếng mẹ đẻ, để con cháu trân trọng và giữ gìn tiếng nói của người M’nông Kuênh… Bà H Wiên Liêng (67 tuổi, ở buôn Hngô A, xã Hòa Phong) có một người con gái lấy chồng là người Êđê, những đứa cháu sinh ra mặc dù được bố dạy nói tiếng Êđê để tiện giao tiếp nhưng bà vẫn dạy và dặn dò con gái phải dạy cho các cháu biết cả tiếng M’nông để sau này lớn lên cháu không quên cội nguồn.

Những năm 1984 - 1986, dựa trên số lượng cư dân M’nông sinh sống đông ở các vùng, Bộ môn ngôn ngữ học thuộc Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu chữ viết của đồng bào M’nông trên cơ sở phương ngữ M’nông Preh, M’nông Rlâm; nhiều quy ước của buôn, một số văn bản tuyên truyền bằng thể văn vần được dịch ra song ngữ Việt – M’nông mở ra cho đồng bào cơ hội tiếp cận chữ viết chung cho người M’nông.

Hiện tại người M'nông đã có chữ viết, ông Y Suôm Niê và nhiều người cao tuổi trong cộng đồng M’nông rất mong mỏi sẽ có chương trình dạy song ngữ Việt – M’nông để tiếng nói của đồng bào không bị mai một… Trước mắt, để bảo tồn và phát huy giá trị tiếng nói của dân tộc mình, các già làng, người uy tín ở các buôn đồng bào M’nông Kuênh vẫn cố gắng dạy lớp trẻ biết nói tiếng mẹ đẻ bằng nhiều hình thức như: thông qua hát dân ca (klei muinh đưm), hát toong, hát pá yông; sử dụng tiếng M’nông trong sinh hoạt gia đình hằng ngày, trong các lễ hội cộng đồng…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc