Hiệu quả từ đổi mới truyền thông về dân số
Triển khai đa dạng các hình thức truyền thông dân số với việc ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội, từng bước chuyển trọng tâm nội dung truyền thông từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang nâng cao chất lượng dân số… là những đổi mới trong truyền thông dân số trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu về dân số và phát triển.
Cùng với xu thế phát triển của thời đại, hình thức truyền thông dân số ở Đắk Lắk đã có sự đổi mới, sáng tạo với việc ứng dụng phù hợp, hiệu quả mạng xã hội. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế như Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, các trung tâm y tế, bệnh viện… đều sử dụng trang thông tin điện tử để tuyên truyền các chủ trương, chính sách về công tác dân số, thường xuyên cập nhật các tin tức, sự kiện, dịch vụ dân số. Đồng thời, tăng cường truyền thông về dân số qua mạng xã hội Facebook, Zalo…; kết nối, chia sẻ thông tin của đội ngũ làm công tác dân số tuyến tỉnh với tuyến huyện, tuyến huyện với xã, xã với thôn…
Chị Nguyễn Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng Dân số - Truyền thông - Giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế huyện Ea Kar) chia sẻ: “Bên cạnh việc tham mưu triển khai công tác dân số qua phần mềm quản lý văn bản, chúng tôi còn thành lập nhóm Zalo để phối hợp với cơ sở tổ chức các hoạt động một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tại các xã, thị trấn cũng ứng dụng Zalo, Facebook để tư vấn, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ KHHGĐ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng dân số… đến với người dân”.
Viên chức dân số phường Đoàn Kết (TX. Buôn Hồ) tư vấn lợi ích sàng lọc trước sinh và sơ sinh. |
Với khẩu hiệu ở vùng có mức sinh cao “dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”, trong những năm qua, ngành y tế duy trì triển khai đa dạng các hình thức truyền thông vận động trực tiếp đến cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng, gia làng, trưởng buôn...; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, panô, băng rôn, khẩu hiệu, tập huấn cho đội ngũ làm công tác truyền thông cơ sở, nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng, tư vấn hộ gia đình…
Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông cho biết: "Huyện Krông Bông hiện có 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 42% dân số. Do đó, Trung tâm Y tế huyện thường xuyên tăng cường truyền thông phù hợp với đặc thù văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số, chú trọng sử dụng đội ngũ cộng tác viên là người địa phương, am hiểu văn hóa và ngôn ngữ của cộng đồng, để tạo dựng niềm tin và nâng cao hiệu quả truyền thông”.
Không chỉ đổi mới về hình thức, nội dung truyền thông cũng được đổi mới phù hợp với công tác dân số trong tình hình mới, từng bước chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Hiện nay các hoạt động truyền thông thường xuyên chú trọng về lợi ích của việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giá trị và quyền bình đẳng của trẻ em gái, không lựa chọn giới tính thai nhi, tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên/thanh niên, khám sức khỏe trước khi kết hôn, lợi ích của tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Bà Vi Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Dân số - Truyền thông - Giáo dục (Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh) cho biết, trong năm 2024 Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sản xuất 12 chuyên mục truyền hình Dân số và phát triển; cập nhật, đăng tải 630 tin, bài về các hoạt động dân số trên Trang thông tin điện tử và fanpage Dân số Đắk Lắk, nhân bản và phân phối 72.000 tờ rơi về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tổ chức 33 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về các nội dung trong mục tiêu dân số và phát triển, 8 buổi nói chuyện chuyên đề “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”...
Sinh hoạt nhóm tư vấn về kế hoạch hóa gia đình ở Trạm Y tế xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp). |
Đổi mới về truyền thông đã góp phần quan trọng chuyển đổi hành vi của người dân trên địa bàn tỉnh về KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số: tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) giảm từ 2,37 con/phụ nữ năm 2019 còn 2,19 con/phụ nữ năm 2023 (tiến gần mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ). Năm 2024, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại gần 67%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 50%; tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh 28%; tình trạng tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên giảm xuống rõ rệt, hàng nghìn nam, nữ thanh niên tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, hơn 63 nghìn lượt người cao tuổi được khám sức khỏe…
Võ Thảo
Ý kiến bạn đọc