“Khoảng trống” trong phân luồng giáo dục sau trung học cơ sở (Kỳ 2)
Kỳ 2: Đích đến còn xa
Với cơ chế mở, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tuyển sinh quanh năm theo nhu cầu của học viên. Tuy nhiên, do nhiều rào cản, vướng mắc nên công tác phân luồng giáo dục sau trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệch lớn với chỉ tiêu đề ra.
Chỉ tiêu tuyển sinh không đạt, thiết bị dạy nghề "nằm kho"
Hằng năm, Sở GD-ĐT dựa vào nguồn nhân lực, cơ sở vật chất (trường, lớp) để phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho trường trung học phổ thông (THPT); hướng dẫn Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện tuyển sinh bảo đảm học sinh có trường, lớp để học.
Đề án Giáo dục hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 có khoảng 30 – 40% học sinh tốt nghiệp THCS học nghề, nhưng thực tế tỷ lệ phân luồng sau tốt nghiệp THCS có sự chênh lệch lớn so với chỉ tiêu, số lượng học sinh "rẽ hướng" sang học nghề còn quá thấp.
Cụ thể: năm học 2018 – 2019 toàn tỉnh có 26.073 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có 4,64% học sinh theo học lớp 10 hệ GDTX; năm học 2021 – 2022 có 26.836 học sinh tốt nghiệp THCS, 8,03% học sinh theo học lớp 10 GDTX; năm học 2023 – 2024 có 29.702 học sinh tốt nghiệp THCS thì có 16,41% học sinh vào học lớp 10 GDTX.
Cùng với đó, hằng năm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tại các trường còn cao (khoảng 80% học sinh tốt nghiệp THCS) nên hầu hết học sinh đều vào học THPT.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra thực tế thiết bị đào tạo nghề do Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 hỗ trợ tại Trường Trung cấp Đắk Lắk. |
Riêng năm học 2024 – 2025 vẫn chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng từ thực trạng khá “rối” khi nhiều lần điều chỉnh tăng chỉ tiêu, hạ điểm trúng tuyển vào lớp 10 tại các trường THPT công lập cho thấy việc phân luồng giáo dục sau THCS khó cán đích như kỳ vọng. Chưa kể, một số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không lựa chọn học tiếp mà dừng hẳn việc học để phụ gia đình làm nông hoặc học nghề ở các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Có thể thấy, việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt kết quả thấp. Ví dụ như năm học 2023 – 2024, Trường Trung cấp Tây Nguyên đã liên kết với Trung tâm GDNN–GDTX huyện Krông Pắc, Trung tâm GDNN–GDTX huyện Ea H’leo, Trung tâm GDTX tỉnh đào tạo hơn 600 học sinh theo mô hình 9+ (vừa học văn hóa vừa học nghề). Ông Nguyễn Huy Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Nguyên chia sẻ, hằng năm trường được giao tuyển sinh khoảng 1.000 chỉ tiêu với nhiều ngành nghề (tiếng Nhật, tiếng Trung, thương mại điện tử…) và có thể xin tăng chỉ tiêu nhưng rất khó tuyển sinh đủ số lượng. Chưa kể, ở độ tuổi 14 - 15 tuổi thì nhận thức, suy nghĩ của các em đối với việc học nghề chưa đạt “độ chín” nên việc học khá chểnh mảng; trong năm đầu học nghề sẽ có khoảng 10 - 15% học sinh bỏ học giữa chừng. Năm học 2024 – 2025, trường mở thêm ngành mới là công nghệ ô tô và đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để mua sắm thiết bị giảng dạy ban đầu; tuy nhiên để có thể dạy nghề này thì mức đầu tư này vẫn chưa đủ.
Số lượng tuyển sinh ít, không mở được lớp nên thiết bị đào tạo của một số trường buộc phải bỏ không. Cụ thể, đã qua khoảng một năm nhưng hàng chục thiết bị đào tạo nghề cơ khí của Trường Trung cấp Đắk Lắk vẫn đang nằm trong kho của trường, nhiều dụng cụ còn đóng thùng nguyên tem vì không thể mở lớp đào tạo như dự định. Theo đó, năm 2023 nhà trường được Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 hỗ trợ mua máy móc, thiết bị để phục vụ đào tạo ngành cơ khí với số tiền hơn 983 triệu đồng gồm: máy khoan, máy cắt plasma, máy hàn hồ quang tay xoay chiều… Theo lý giải của nhà trường thì thời điểm tuyển sinh đang trong giai đoạn hậu dịch COVID-19, học sinh không mấy mặn mà với việc học nghề (bởi học nghề là cầm tay chỉ việc, phải tiếp xúc trực tiếp) nên trường không tuyển đủ chỉ tiêu để mở lớp. Việc mở lại khóa mới vẫn chưa thực hiện được vì nhiều rào cản như: học sinh tốt nghiệp THCS còn nhỏ tuổi, trường chưa có ký túc xá nên phụ huynh không mặn mà cho con thuê trọ ngoài để học…
Lúng túng tìm hướng đi
Nhằm thực hiện tốt công tác phân luồng, cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp mổ xẻ nguyên nhân, tìm hướng đi phù hợp để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 30 - 40% học sinh tốt nghiệp THCS rẽ hướng học nghề. Trong đó mấu chốt là cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tăng sức hút từ nội lực (chương trình đào tạo, thiết bị đào tạo, giáo viên) và ngoại lực (kết nối doanh nghiệp tìm việc làm cho học sinh, sinh viên, kết nối với trường THCS để tư vấn và tuyển sinh). Tuy nhiên, thực lực và mối kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với đơn vị, đối tượng liên quan (phụ huynh, học sinh, nhà trường, doanh nghiệp) vẫn rất mơ hồ.
Học sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025. |
Theo Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thì quy mô, năng lực, chất lượng, khả năng tiếp cận thị trường việc làm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đủ hấp dẫn để thu hút học sinh theo học như mục tiêu phân luồng đề ra. Bên cạnh đó, người làm công tác tư vấn nghề nghiệp (cơ sở đào tạo nghề, trường THCS) chưa được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học nghề nghiệp, dự báo nhu cầu sử dụng lao động các ngành nghề… Những “lỗ hổng” này đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả phân luồng giáo dục sau tốt nghiệp THCS.
Trong khi đó, theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông đã được quan tâm đầu tư nhưng kinh phí hạn chế nên việc mua mới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành liên quan đến công nghệ hiện đại.
Thực tế công tác đào tạo nghề những năm qua cho thấy, nhiều học sinh sau khi có bằng tốt nghiệp nghề vẫn khó tìm việc làm theo chuyên ngành được học. Đơn cử như em H.D.N. đã tốt nghiệp bằng khá hệ Trung cấp văn thư hành chính tại Trường Cao đẳng Đắk Lắk theo mô hình đào tạo 9+ nhưng không tìm được việc làm, phải chọn học tiếp ngành y tại một trường cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh...
Ông Nguyễn Đình Huy, chuyên viên Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột cho rằng thực trạng đào tạo nghề chưa gắn với việc làm nên phụ huynh không mấy mặn mà với việc định hướng con học nghề sau khi tốt nghiệp THCS và đây cũng là cái khó trong công tác tuyên truyền, định hướng giáo dục nghề nghiệp tại các trường THCS hiện nay.
Đề án Giáo dục hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 có khoảng 30 – 40% học sinh tốt nghiệp THCS học nghề, nhưng tỷ lệ này mỗi năm còn rất thấp, năm học 2023 – 2024 chỉ có có 16,41% học sinh vào học lớp 10 GDTX. |
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Đẩy mạnh hướng nghiệp hướng nghề
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc