Multimedia Đọc Báo in

Cho mùa mai Tết

08:36, 05/01/2025

Thường ngày, những vườn trồng mai khá lặng lẽ với bóng dáng chủ vườn lụi cụi tưới nước, bón phân. Thế nhưng, cách Tết khoảng một tháng, các nhà vườn trồng mai xuân bỗng đông đúc tiếng nói cười bởi tấp nập người đi lặt (lẩy) lá mai trong ngút ngát những thửa vườn, giữa mùa thâm thâm gió mưa.

Những gốc mai sum suê lá, chen chúc khắp cành là những nụ hoa. Đơn giản như lặt lá mai nhưng phải hết sức tỉ mẩn, khéo léo để tránh làm gãy nụ. Người lặt lá mai thường phải đứng liên tục nên nếu không quen việc thì rất dễ… mỏi gối, đau lưng. “Chiến dịch” lặt lá mai chỉ trong khoảng mươi ngày nên phải tập trung nhân lực để “đánh nhanh rút gọn”.

Sửa thế dáng mai xuân.

Theo các nhà vườn, thời điểm lặt lá mai cách Tết Nguyên đán chừng một tháng (cộng hoặc trừ vài ngày tùy trời ít hay nhiều nắng). Nếu nụ mai nhỏ thì tranh thủ lặt sớm hơn, ngược lại, thấy mai có nụ lớn thì có thể chậm vài ngày lặt lá. Đây là giai đoạn rất quan trọng để “đánh” mai bán Tết nên nhà vườn hết sức cân não. Nếu mai có chiều hướng nở muộn Tết, phải “chữa cháy” bằng cách bón thúc phân hoặc chong đèn sưởi ấm cho mai. Nếu mai có hướng nở sớm Tết thì phải pha loãng phân ure để tưới cho cây “chia sức” vào cành, lá mà “quên bớt” nở hoa.

Thế nhưng việc “chữa cháy” cho mai Tết cũng chỉ trong phạm vi hẹp. Bởi mỗi nhà vườn luôn có hàng ngàn gốc mai, nếu hoa lỡ “nhanh, chậm” thì rất khó cứu vãn. Đã tốn công lặt lá nhưng đành phải để các chậu mai “vô duyên” này lại chăm, đợi Tết sau… xuất giá.

Cách Tết một tháng, nhà vườn đã vào cuộc bán sỉ mai cho thương lái. Những chậu mai có nụ lớn thường được chọn lên đường ra Bắc, bởi thời tiết lạnh sẽ làm chậm hoa, kịp Tết. Ngược lại, những chậu mai nụ nhỏ hơn sẽ được chọn xuôi Nam, nắng gió ấm áp sẽ giúp hoa nở đúng kỳ, được giá. Hàng triệu chậu mai vàng miền Trung đang khấp khởi, khấp khởi…

Đức Tuấn


Ý kiến bạn đọc