Quan tâm, ưu tiên, huy động các nguồn lực thực hiện tốt công tác giảm nghèo
Sáng 17/1, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024; triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh và giải pháp thực hiện năm 2025.
Tham dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn.
Đại biểu tham dự hội nghị. |
Theo báo cáo tại hội nghị, tổng vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024 trên 1.263 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển gần 567 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 515 tỷ đồng; ngân sách tỉnh là 51,5 tỷ đồng). Trong đó, đã giải ngân trên 457,5 tỷ đồng, đạt 80,72% kế hoạch. Vốn sự nghiệp trên 591 tỷ đồng (ngân sách Trung ương gần 538,4 tỷ đồng; ngân sách tỉnh gần 53 tỷ đồng); đã giải ngân gần 374 tỷ đồng, đạt 63,24% kế hoạch. Nguồn huy động hợp pháp khác trên 105,3 tỷ đồng, đã giải ngân 100%.
Về tiến độ thực hiện từ nguồn vốn đầu tư phát triển cơ bản đảm bảo, hiện có 11 dự án đầu tư đã cơ bản đã hoàn thành; 8 dự án đang triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2025; 2 dự án đang lập thủ tục đầu tư dự kiến triển khai thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025.
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Về thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, toàn tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 2.096 hộ nghèo, hộ cận nghèo (xây mới 1.294 hộ, sửa chữa 802 hộ); hỗ trợ học phí, chi phí học tập, hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở… cho 72.480 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số… với kinh phí thực hiện trên 256,6 ty đồng; cấp gần 3,3 triệu lượt thẻ bảo hiểm y tế với số tiền gần 2,5 tỷ đồng; giải quyết cho 148.260 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với doanh số cho vay trên 5.915 tỷ đồng...
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 2,14%/năm, đến cuối năm 2024 còn 34.434 hộ (chiếm 6,38%), vượt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4,34%/năm, còn 24.282 hộ (13,71%), vượt chỉ tiêu đề ra.
Năm 2025, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS từ 4% trở lên. Phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo từ 4-5%.
Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng trao đổi tại hội nghị. |
Triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, đến nay đã hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát ở 3 cấp; đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Ban Chỉ đạo các cấp; đã phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhu cầu sửa chữa, xây mới trong năm 2025; đã ban hành Kế hoạch triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2025…
Ngoài ra, các sở, ban, ngành và các địa phương của tỉnh đã phối hợp, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chương trình triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Trong đó, qua phúc tra đã giảm 1.198 hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở do không đáp ứng được các điều kiện quy định.
Năm 2025, tỉnh Đắk Lắk dự kiến hỗ trợ xây mới, sửa chữa 7.312 căn nhà (xây mới 5.891 căn; sửa chữa 1.421 căn), cụ thể: 176 căn cho gia đình chính sách người có công; 877 căn cho hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 854 căn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú trên địa bàn huyện M’Drắk và huyện Ea Súp và 5.405 căn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trên địa bàn một số huyện; công tác rà soát, phúc tra hộ nghèo, hộ cận nghèo; những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện...
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, công tác giảm nghèo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần thống nhất về nhận thức và hành động; cụ thể, người đứng đầu cấp ủy phải quyết tâm, trách nhiệm, quan tâm, ưu tiên, huy động các nguồn lực thực hiện tốt công tác giảm nghèo; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND cấp huyện phải chủ động chỉ đạo đơn vị, địa phương xây dựng giải pháp căn cơ đột phá để thực hiện có hiệu quả. Với những đối tượng không thể thoát nghèo cần có chính sách hỗ trợ đưa vào đối tượng bảo trợ xã hội để họ duy trì cuộc sống và đưa ra khỏi danh sách thuộc diện hộ nghèo. Công tác rà soát phải triển khai chặt chẽ, chính xác và kịp thời, đúng đối tượng... phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm hộ nghèo còn dưới 3%.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động, quyết liệt, quyết tâm cao trong việc triển khai thực hiện để đạt mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tích cực tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình chung tay vì người nghèo; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lãnh đạo chỉ đạo để thực hiện thành công mục tiêu đề ra là xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn tỉnh trong năm 2025...
Cũng trong dịp này, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung chăm lo Tết nguyên đán Ất Tỵ cho nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau; bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, không để bị động, không bất ngờ trong mọi tình huống; kiểm tra giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, bình ổn thị trường...
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc