“Thanh xuân rực rỡ” cùng Báo Đắk Lắk!
1. Từ ngày còn học phổ thông, với niềm yêu thích văn chương và ưa đọc sách báo, tôi mơ ước được theo nghề báo. Khi trở thành sinh viên khoa Văn – Đại học Tổng hợp Huế, trong ngày hội trường, được gặp nhiều anh chị các khóa trước đang là phóng viên các cơ quan báo chí, niềm khao khát ấy lại càng trở nên cháy bỏng!
2. Ra trường rồi lên cao nguyên, tôi muốn xin vào Báo Đắk Lắk nhưng đúng thời điểm đang thực hiện tinh giản biên chế nên ước mơ ấy đành gác lại. Tuy làm ở một cơ quan quản lý nhà nước, vì đam mê viết lách nên tôi thường xuyên cộng tác với tờ báo của Đảng bộ tỉnh và được tòa soạn động viên, ưu ái sử dụng nhiều tin bài. Dù chưa một ngày học qua nghiệp vụ báo chí, nhưng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và như người “điếc không sợ súng”, tôi viết đủ thể loại, từ tin, bài cho đến thơ, tản văn, tùy bút, truyện ngắn… và may mắn thay là hầu hết đã được đăng trên Báo Đắk Lắk. Đến kỳ nhận nhuận bút thì đều đem “khao” bạn bè gần hết và mỗi lần được tòa soạn mời tham dự hội nghị cộng tác viên là tôi vui… như Tết!
3. Phải “đi đường vòng” mất 6 năm, đến năm 1995 mơ ước của tôi mới thành hiện thực khi được vào làm việc ở Báo Đắk Lắk. Vì trước đó từng là một cộng tác viên mà tòa soạn “quen mặt, biết tính” nên tôi được Ban Biên tập đặc cách “vào thẳng” làm phóng viên chính thức mà không phải trải qua thời gian tập sự hay thử việc. Đó là một ân tình sâu nặng mà tôi không bao giờ quên! Vì lẽ đó, sau khi vào Báo Đắk Lắk được hơn một năm, có ba cơ quan báo ngành và Trung ương bày tỏ muốn nhận tôi về làm phóng viên thường trú nhưng tôi nói lời cảm ơn trước khi xin được từ chối thiện ý ấy. Khi thổ lộ ra điều này, tôi không dám nghĩ mình “cao giá” mà muốn nói rằng đó là một sự lựa chọn không hề hối tiếc. Bởi vì, tôi quyết định gắn bó với Báo Đắk Lắk giống như là chọn lựa một người bạn đời sẽ cùng mình đi suốt cuộc hành trình!
Lãnh đạo và phóng viên Báo Đắk Lắk trong một chuyến đi cơ sở ở vùng sâu. Ảnh: Hoàng Gia |
4. Cảm ơn nghề báo đã mang lại cho cuộc đời tôi nhiều sắc màu ý nghĩa mà những nghề nghiệp khác khó có thể có được. Tôi may mắn được đặt chân đến nhiều nơi trên dải đất hình chữ S này, được thỏa sức khám phá, trải nghiệm, học hỏi được nhiều điều lý thú để mở mang kiến thức, tầm nhìn. Điều quan trọng nhất là được sống trọn vẹn với đam mê của mình, thỏa nguyện mộng tưởng mà tôi hằng ấp ủ từ thời học trò áo trắng thư sinh. Trong những năm tháng đi và viết, tôi đã gặp bao con người với thân phận khác nhau và phần nhiều trong số đó trở thành nhân vật trong các bài báo. Trên những nẻo đường tác nghiệp, tôi không ít lần chứng kiến nhiều cảnh ngộ, câu chuyện khó quên; từng được gặp gỡ những con người bình dị mà có tấm lòng cao cả, tận hiến vì cộng đồng… Tất cả đã trở thành nguồn cảm xúc thôi thúc tôi phải viết về họ như là một món nợ ân tình và trách nhiệm nghề nghiệp của người cầm bút.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn cứ nhớ mãi cái lần cùng anh bạn đồng nghiệp Đình Đối về Trường Tiểu học Yang Mao (huyện Krông Bông) cách đây gần 30 năm. Khi đó, nơi đây vẫn còn là một vùng đất heo hút, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Gặp các cô giáo trẻ giữa chốn tận cùng của đại ngàn, tôi lại liên tưởng đến những cô thanh niên xung phong đi phá đá mở đường thời lửa đạn. Quả vậy, họ cũng là những người khai phá, đưa ánh sáng tri thức đến với con em đồng bào các dân tộc vùng căn cứ Krông Bông. Vượt qua bao gian nan, khổ nhọc trên hành trình kiến tạo một tầm cao dân trí cho học trò vùng sâu, âm thầm nhận về mình bao thua thiệt khôn cùng, họ là những người “cõng” chữ lên ngàn. Có người bám trụ ở đây hơn 10 năm trời và tuổi thanh xuân của thời con gái đi qua lúc nào không biết, đến khi ngoảnh lại thấy mình là người lẻ bước bên đời!
Trong hành trang kỷ niệm của nghề làm báo, tôi không thể nào quên chuyến đi lần đầu lên biên giới, đến với Đồn Biên phòng Bu P’răng, khi đó thuộc xã Quảng Trực, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Lắk cũ (nay thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Giữa ánh chiều tà miền biên ải, cũng như nhiều giáo viên và các em học sinh trong đoàn cùng đi có mặt tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ, tôi đứng lặng người khi nghe anh đồn trưởng kể về những năm tháng hào hùng và bi tráng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Sau khi đánh bật quân xâm lược Pôn Pốt về bên kia biên giới, một chàng lính trẻ thương tích đầy mình vẫn gắng nói lời sau cuối với người chỉ huy trận đánh: “Thủ trưởng ơi, em đã hoàn thành nhiệm vụ!”, rồi tắt thở trên tay đồng đội. Kiên cường chống trả kẻ địch với lực lượng đông gấp hàng chục lần, những người lính biên phòng quả cảm ấy đã lấy thân mình cản bước quân thù. Các anh đã dâng hiến tuổi hai mươi yêu dấu để bảo vệ Đất Mẹ thiêng liêng và mãi mãi nằm lại bên cột mốc biên cương! Với những chiến công khắc ghi vào lịch sử, ngày 6/11/1978, Đồn Biên phòng Bu P’răng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
5. Đã tròn 30 năm kể từ ngày tôi được vinh hạnh góp mặt trong “ngôi nhà chung” Báo Đắk Lắk. Tiếp bước lớp kỳ cựu tóc đã pha sương, nhiều phóng viên thuộc thế hệ 8X, 9X là những cây bút chủ lực của Báo trong nhiều năm qua và một vài người trong số đó đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý của tòa soạn. Nhiều tên tuổi đã trở thành thân quen với độc giả gần xa như: Nguyễn Xuân, Minh Thông, Thuận Nguyễn, Khả Lê, Vạn Tiếp, Lan Anh, Hoàng Tuyết, Đỗ Lan, Hồng Thúy, Quỳnh Anh, Đăng Triều, Như Quỳnh, Vân Anh…
Với tình yêu nghề nghiệp, nhiều phóng viên của Báo đã không quản ngại gian khó đến tận những buôn làng xa xôi, heo hút để săn tìm thông tin, hình ảnh cho những bài báo mà mình tâm đắc, ấp ủ. Không ít phóng viên là nữ nhưng vẫn xông pha nơi cơn lũ dữ vừa đi qua, hay tại nơi đang ứng cứu tuyến đê bao bị vỡ trong mùa mưa bão; hoặc có mặt giữa vùng khô hạn nắng cháy da để cùng thấu hiểu, sẻ chia với nỗi âu lo của những người nông dân đang đối mặt với thiên tai hạn hán… Trong cơn cuồng phong của đại dịch COVID-19, bất chấp nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh, nhiều phóng viên của Báo Đắk Lắk đã theo sát đội ngũ y bác sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch để kịp thời nắm bắt, chuyển tải những thông tin, hình ảnh mà độc giả đang chờ đợi…
Được dành trọn tuổi thanh xuân rực rỡ của đời mình cho nghề báo, tin rằng nếu thời gian quay trở lại, họ cũng như tôi, vẫn chọn con đường mình đã và đang đồng hành cùng Báo Đắk Lắk!
Lê Quang Ánh
Ý kiến bạn đọc