Cần làm gì để hạn chế bệnh cúm lây lan?
Bệnh cúm hay còn gọi là cúm mùa, do virus cúm gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ gây thành dịch lớn với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh lây lan qua đường hô hấp từ các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi hoặc ho.
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi. Thời tiết lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường, tập trung đông người là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan.
![]() |
Triệu chứng nghiêm trọng của bệnh cúm. Ảnh: Internet |
Virus cúm có bốn loại A, B, C và D, trong đó virus cúm A, B và C gặp ở người, virus cúm D thường gặp ở gia súc và chưa biết có lây nhiễm hoặc gây bệnh cho người không.
Virus cúm A được chia thành các phân nhóm dựa trên hai loại protein bề mặt của virus là hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Có 18 phân nhóm hemagglutinin (H) và 11 phân nhóm neuraminidase (N) (lần lượt từ H1 đến H18 và N1 đến N11). Hai loại virus cúm A hiện thường gặp ở người là H1N1 và H3N2. Virus cúm B được chia thành hai dòng Yamagata và Victoria. Dữ liệu giám sát dịch cúm những năm gần đây cho thấy, tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, con người có thể nhiễm cùng lúc hai dòng virus cúm B. Tỷ lệ virus cúm B từ mỗi dòng lưu hành có thể thay đổi theo vị trí địa lý. Nhiễm virus cúm C thường nhẹ và không gây ra dịch cúm ở người.
Triệu chứng bệnh cúm mùa thường xuất hiện sau thời gian ủ bệnh 1 – 3 ngày. Bệnh nhân sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C có thể kèm theo lạnh run hoặc chỉ ớn lạnh, ho, cảm giác khô và đau rát họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mắt đỏ, đau nhức cơ bắp, nhức đầu, mệt mỏi, cảm giác như kiệt sức, một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy. Chảy máu cam hiếm khi xảy ra nhưng là dấu hiệu quan trọng cho biết bệnh nhân có khả năng mắc bệnh cúm. Các triệu chứng của bệnh cúm mùa thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp khác.
Bệnh cúm thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, biến chứng dễ xuất hiện hơn và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Các biến chứng có thể gặp là viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não… Người dân cần đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cúm. Hiện nay, một số cơ sở y tế có thể làm test nhanh để chẩn đoán cúm A và cúm B.
Biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất là tiêm ngừa. Hiện nay, các nhà khoa học đã khuyến cáo người dân nên tiêm ngừa phòng bệnh cúm bằng vắc xin cúm tứ giá. Đây là vắc xin cúm chứa thành phần kháng nguyên của cả bốn chủng virus cúm mùa, bao gồm: hai chủng cúm A (H1N1 và H3N2) và hai chủng cúm B (Yamagata và Victoria). Vắc xin cúm tứ giá có hiệu quả bảo vệ rộng, hiệu lực vắc xin và tính sinh miễn dịch tốt được chứng minh qua nhiều thử nghiệm lâm sàng, tính an toàn cao được đánh giá trên nhóm trẻ từ 6 tháng đến người trên 60 tuổi, liều dùng đơn giản tiện lợi cho mọi đối tượng.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau: bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng; tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế. Đặc biệt, không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.
PGS.TS.BS Bùi Quốc Thắng
(Phó Trưởng khoa Y, Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Văn Lang; nguyên Phó Trưởng bộ môn Hồi sức Cấp cứu Chống độc, Giảng viên bộ môn Nhi, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh)
Ý kiến bạn đọc