Chuyện "quản" và "cấm"
Những ngày gần đây, việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm (có hiệu lực từ ngày 14/2/2025) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Điều đáng chú ý là ở mỗi địa phương, mỗi cấp quản lý lại áp dụng thông tư này theo cách hiểu khác nhau.
Thực tế, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD - ĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) không "cấm" dạy thêm, học thêm như nhiều người vẫn hiểu. Thông tư quy định rõ: không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho ba đối tượng: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
![]() |
Ảnh minh họa |
Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư 29 quy định: tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp… Như vậy, Thông tư 29 không cấm việc dạy thêm, học thêm mà việc dạy thêm cần đáp ứng đúng các yêu cầu, điều kiện và thủ tục.
Thông tư 29 đã hướng đến cách quản lý phù hợp, không chỉ giúp giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu và sức ép dư luận mà còn tránh việc sử dụng biện pháp cực đoan "không quản được thì cấm". Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài nhà trường là chính đáng và hoàn toàn tự nguyện. Thực hiện đúng Thông tư 29 sẽ bảo đảm quyền lợi học sinh, tránh việc giáo viên “ép” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.
Rõ ràng là vậy nhưng không ít người vẫn hiểu chưa đúng, cơ quan quản lý các cấp thì lúng túng trong việc triển khai. Thậm chí cơ quan quản lý về giáo dục cao nhất của tỉnh vẫn “chờ” hướng dẫn tiếp để thực hiện, trong khi thông tư đã có hiệu lực thi hành. Và trong khi “chờ”, tình trạng “quản không được thì cấm”, hay “khó quản” là “cấm” lại tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Thậm chí là “lệnh” cấm dạy thêm được triển khai khá quyết liệt.
Trong bối cảnh giáo dục ngày càng phát triển, việc đổi mới hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm là yêu cầu tất yếu. Thế nên có thể nói, Thông tư 29 đã hướng đến cách quản lý phù hợp, không chỉ giúp giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu và sức ép dư luận mà còn tránh việc sử dụng biện pháp cực đoan "không quản được thì cấm".
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc