Những "anh nuôi" trên biển
Trong chuyến hành trình trên biển kéo dài hơn nửa tháng vào dịp đầu năm 2025 trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tổ hậu cần trên tàu Trường Sa 21 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) đã để lại nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với các thành viên đoàn công tác.
Mùa biển động, con tàu Trường Sa 21 dài gần 71 m, rộng gần 12 m, trọng tải hơn 2.000 tấn trở nên nhỏ bé giữa biển khơi mênh mông. Những khi sóng to, gió lớn, tàu chao đảo, rung lắc mạnh, liên tục chồm lên rồi lại chúi xuống. Nhiều thành viên của đoàn công tác luôn trong tình trạng say sóng, có người đứng ngồi không nổi, ăn uống hết sức khó khăn. Thế nhưng, với các “anh nuôi” thì đều đặn mỗi ngày ba bữa ăn tươm tất, nóng hổi đều được dọn sẵn trên bàn.
![]() |
Lần đầu tham gia hải trình, chiến sĩ Phạm Hồng Sơn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. |
Trường Sa 21 là tàu chuyên vận tải hàng hóa, không gian bếp nhỏ hẹp. Để chống chọi với những cơn sóng lớn, bếp được lắp đặt chắc chắn, hàn thêm khung sắt để cố định xoong, chảo. Mới 4 giờ sáng, khi mọi người còn đang say giấc thì khu vực bếp ăn trên tàu đã sáng đèn. Mỗi người một việc, nhanh tay chuẩn bị nguyên liệu chế biến thức ăn. Khi tàu trở mình vì sóng lắc, lại nghe tiếng xoong nồi, bát dĩa va vào nhau loảng xoảng. Thế nhưng, đến giờ ăn thì tất cả đều đã sẵn sàng, tinh tươm, sạch sẽ. Các đầu bếp phải trải một lớp vải hay vật dụng chống trượt dưới nồi cơm, canh. Ai trong đoàn mệt quá, không ăn nổi cơm thì được nấu cháo mang đến tận phòng. Trong mỗi bữa cơm, các anh còn động viên đoàn công tác, pha trò tạo không khí vui vẻ, thoải mái để mọi người quên đi mệt nhọc.
Thiếu tá Lê Đăng Huy, Bếp trưởng Tổ phục vụ tàu Trường Sa 21 chia sẻ, việc nấu ăn trên tàu trong điều kiện sóng to, gió lớn, tàu rung lắc mạnh là rất khó khăn. Mỗi chuyến đi biển kéo dài ít thì nửa tháng, nhiều thì 3 - 4 tháng, có khi đến nửa năm nên phải chuẩn bị nhiều thực phẩm, lên thực đơn đa dạng với đầy đủ rau xanh, thịt, cá... Trong hơn 20 năm công tác, anh không nhớ đã tham gia bao nhiêu chuyến công tác trên biển và việc nấu ăn trong điều kiện sóng cao trên 6 - 7 m là chuyện bình thường. Có khi gặp bão mạnh, sóng cao gần chục mét, tàu chao đảo dữ dội khiến nồi thức ăn đang sôi trên bếp lật nhào. Cũng có lần, nấu xong, dọn lên bàn ăn rồi lại bị sóng hất đổ hết, anh em phải dọn dẹp và tức tốc đi nấu lại. Thậm chí, có anh em bị thức ăn nóng rơi vào người gây bỏng...
![]() |
Các thành viên tổ phục vụ tàu Trường Sa 21 chuẩn bị cơm cho đoàn công tác trên tàu. |
Dù tổ bếp chỉ có 4 thành viên, nhưng đã phục vụ chu đáo bữa ăn cho gần 50 người của đoàn công tác trên tàu Trường Sa 21. Trong tổ, Hạ sĩ Phạm Hồng Sơn là chiến sĩ lần đầu tiên đi biển nhưng thích nghi rất nhanh với góc bếp tàu chông chênh. Anh cùng các “anh nuôi” trong tổ phân chia mỗi người một việc, phối hợp nhịp nhàng. Với chiến sĩ Sơn và anh em trong tổ phục vụ, việc bảo đảm cơm chín, nước sôi cũng như cung cấp cho mọi người những bữa ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng là niềm vui lớn nhất.
Đi biển dài ngày, lại gặp thời tiết xấu, nhiều thành viên trên tàu bị say sóng, sự quan tâm chu đáo của tổ phục vụ như tiếp thêm động lực để họ vượt qua chính mình. Anh Hoàng Thanh Bình (Báo Đắk Nông) chia sẻ, đây là lần đầu tiên anh được đặt chân đến các nhà giàn DK1 và cũng là chuyến đi biển dài ngày nhất từ trước đến nay. Những ngày sóng to, gió lớn, anh không thể đến phòng ăn dùng bữa thì các thành viên trong tổ phục vụ thay nhau đến hỏi thăm, động viên, rồi đưa cơm nắm, muối vừng, lương khô đến tận phòng phục vụ. Nhờ đó, anh có thêm trải nghiệm đặc biệt khó quên trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc