Multimedia Đọc Báo in

Những người nối nhịp cầu hữu nghị Việt Nam – Campuchia

08:19, 18/02/2025

Đắk Lắk có đường biên giới dài gần 72 km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri của nước bạn Campuchia. Tiếp nối truyền thống hữu nghị của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, hai tỉnh Đắk Lắk – Mondulkiri đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực trên mọi lĩnh vực. Trong nhiều nội dung được triển khai, phiên dịch viên trở thành người nối nhịp cầu cho tình hữu nghị thêm bền chặt.

Từ “bén duyên” thành chuyên nghiệp

Nhiều cán bộ, nhân dân nước bạn Campuchia từng đặt câu hỏi với Thiếu tá Võ Văn Bảo (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) rằng anh là người Việt Nam hay người Campuchia bởi sự thông thạo của anh khi phiên dịch trong các sự kiện, buổi hội đàm. 

Thiếu tá Võ Văn Bảo chia sẻ, cơ duyên của mình với nhiệm vụ phiên dịch rất tình cờ. Năm 2011, khi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phân công anh tham gia lớp bồi dưỡng tiếng Êđê (lớp học 6 tháng), anh là một trong số ít học viên của lớp đạt loại giỏi. Thấy anh có khả năng tiếp thu tốt, các năm 2012 - 2013, đơn vị tiếp tục cử anh tham gia lớp học tiếng Khmer tại Đại học Hoàng gia ở thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia).

Anh Võ Văn Bảo (bìa phải) tham gia phiên dịch trong dịp đoàn công tác của tỉnh Mondulkiri đến thăm chúc Tết tại tỉnh Đắk Lắk.

Bất ngờ vì mới cưới vợ chưa được 10 ngày, song nhiệm vụ cấp trên giao, anh xác định tốt động cơ, mục tiêu và bắt đầu chuyên tâm tu nghiệp. Cùng với kiến thức trên giảng đường, chàng trai trẻ thường xuyên tiếp xúc với người bản xứ, lắng nghe cách họ giao tiếp, mạnh dạn bắt chuyện, mạnh dạn trao đổi, đặt câu hỏi, tập viết thường xuyên để đúc rút kinh nghiệm, dần hoàn thiện chính mình. “Bí quyết” ấy giúp học viên Võ Văn Bảo trở thành một trong hai gương mặt hiếm hoi của lớp được cấp bằng xuất sắc sau khóa học.

Tốt nghiệp, Thiếu tá Võ Văn Bảo về lại đơn vị, bắt đầu tham gia công tác phiên dịch. Còn nhớ, vào tháng 7/2013, anh lần đầu đảm nhiệm vai trò phiên dịch viên cho đoàn công tác của Phó Tư lệnh Quân khu 1 (Campuchia) sang thăm, làm việc tại các đồn biên phòng của tỉnh Đắk Lắk. Những lời khen ngợi của bạn đã là động lực thôi thúc anh tiếp tục trau dồi, rèn luyện vốn ngoại ngữ.

Quen dần với công tác phiên dịch, Thiếu tá Võ Văn Bảo thường xuyên được giao nhiệm vụ làm cầu nối phiên dịch tiếng Khmer cho các đoàn lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương khi làm việc với cán bộ, nhân dân của tỉnh Mondulkiri. Mỗi lĩnh vực đòi hỏi những thuật ngữ chuyên ngành khác nhau, đặc biệt nhiều vấn đề tại các cuộc họp, hội đàm không nằm trong kịch bản, song Thiếu tá Võ Văn Bảo đều phiên dịch chính xác vấn đề hai bên đang đề cập. Qua đó, góp phần nối nhịp cầu hữu nghị hai dân tộc, hai tỉnh Đắk Lắk – Mondulkiri thêm bền vững.

Như người thân, gia đình

Cũng như Thiếu tá Võ Văn Bảo, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Đỗ Minh Đức (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) đến với công tác phiên dịch rất tình cờ. Hơn 20 năm trước, Đội phân giới, cắm mốc của UBND tỉnh được thành lập, đội rất cần những người am hiểu ngôn ngữ Khmer để làm cầu nối cho hai tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phân giới, cắm mốc. Anh Đức được cấp trên “chọn mặt gửi vàng” bởi từng được đào tạo ngôn ngữ Khmer, bản thân anh luôn không ngừng trau dồi, rèn luyện vốn từ được học.

Dẫu vậy, việc phiên dịch các thuật ngữ chuyên ngành của công tác phân giới, cắm mốc không hề dễ dàng, nhất là khi việc dịch thuật không có từ điển chuyên ngành. Để trở thành “cầu nối” hữu hiệu nhất trong các cuộc hội đàm, trao đổi song phương, bàn bạc thảo luận giữa hai bên về công tác phân giới, cắm mốc, Trung tá QNCN Đỗ Minh Đức vừa phải nắm bắt tiếng địa phương nước bạn, vừa tra cứu bằng tiếng Anh để có thể phiên dịch các nội dung ngắn gọn, chính xác nhưng vẫn đủ ý mà hai bên muốn truyền tải.

Thiếu tá Võ Văn Bảo (thứ hai từ trái sang) và Trung tá QNCN Đỗ Minh Đức (thứ hai từ phải sang) tham gia bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, chiến sĩ Đội K51 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh).

Nhiều năm là phiên dịch viên, thường xuyên có mặt tại các buổi làm việc của sở, ngành, đơn vị hai tỉnh Đắk Lắk – Mondulkiri, anh Đức dần trở thành gương mặt thân quen, được nhiều cán bộ, người dân nước bạn tin tưởng, quý mến. Rất nhiều đợt thiên tai, bão lụt bất ngờ đổ bộ vào tỉnh Mondulkiri, nhiều lần quân nhân nước bạn cần cấp cứu do bệnh tật, gặp tai họa… bạn đều trực tiếp liên lạc, nhờ anh kết nối thông tin đến Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk để được giúp đỡ kịp thời.

Ít năm trước, một quân nhân của bạn ở Trung đội 2, Đại đội 3, Tiểu đoàn 103 (nay là Tiểu đoàn 115, Tiểu khu Quân sự Mondulkiri) bị rắn độc cắn trong lúc tuần tra. Tiếp nhận thông tin từ bạn, anh nhanh chóng bám nắm tình hình, báo cáo với chỉ huy đơn vị để thông tin sự việc. Quá trình Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk tham gia cứu chữa người bệnh khi bạn nhập viện tại tỉnh, hay chuyển tuyến xuống TP. Hồ Chí Minh, anh Đức đều trực tiếp có mặt nhằm hỗ trợ trao đổi giữa hai bên, chăm sóc và giúp đỡ bạn cho đến khi xuất viện.

Gần gũi và chân thành, từ những cuộc phiên dịch, anh Đức có thêm những người thân, người bạn mới đến từ xứ sở chùa tháp. Cũng từ những nhân duyên nói trên đã giúp anh tích lũy thêm nhiều kiến thức hay, nắm rõ hơn truyền thống văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc nước bạn để bản thân thêm tự tin giao lưu, thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ liên quan công tác đối ngoại.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc